Giải thích về Chỉ số báo trước và Chỉ số báo sau

0
128

Chỉ số báo trước và chỉ số báo sau là gì?

Chỉ số báo trước và chỉ số báo sau là các công cụ đánh giá điểm mạnh hay điểm yếu của các nền kinh tế hoặc thị trường tài chính. Nói một cách đơn giản, các chỉ số báo trước thể hiện những thay đổi sắp diễn ra đối với một chu kỳ kinh tế hoặc xu hướng thị trường. Ngược lại, các chỉ số báo sau được dựa trên các sự kiện đã xảy ra và cung cấp thông tin chuyên sâu về dữ liệu lịch sử của một thị trường hoặc nền kinh tế cụ thể.

Nói cách khác, các chỉ số báo trước cung cấp các tín hiệu dự đoán (trước khi các sự kiện hoặc xu hướng xảy ra) và các chỉ số báo sau đưa ra các tín hiệu dựa trên một xu hướng đã đang diễn ra. Hai loại chỉ số này được sử dụng rộng rãi bởi các nhà đầu tư và các nhà giao dịch sử dụng phân tích kỹ thuật (TA), bởi vậy các chỉ số này khá hữu ích để giao dịch chứng khoán, Forex, và tiền điện tử. 

Trong thị trường tài chính, các chỉ số TA đã được sử dụng ngay từ những thập niên đầu của thế kỷ 20. Các chỉ số này có nguồn gốc từ sự phát triển của Lý thuyết Dow, xuất hiện từ trong khoảng từ năm 1902 đến 1929. Về cơ bản, Lý thuyết Dow khẳng định rằng biến động giá không phải là một hiện tượng ngẫu nhiên, và do đó có thể dự đoán các biến động này bằng cách phân tích kỹ lưỡng về những hoạt động đã xảy ra trước đó trên thị trường.

Ngoài ra, các chỉ số báo trước và báo sau được sử dụng để vẽ sơ đồ về mức độ hiệu quả về mặt kinh tế. Như vậy, chúng không phải lúc nào cũng liên quan đến phân tích kỹ thuật và giá cả thị trường, mà còn liên quan đến các biến số và chỉ báo kinh tế khác.

Các chỉ số báo trước và báo sau hoạt động như thế nào?

Các chỉ số báo trước

Như đã đề cập, các chỉ số báo trước có thể cung cấp thông tin về các xu hướng chưa xuất hiện. Do đó, có thể sử dụng các chỉ số này để dự đoán các đợt suy thoái hoặc phục hồi kinh tế có thể xảy ra. Ví dụ, có thể sử dụng chỉ số này để dự đoán hoạt động của thị trường chứng khoán, bán lẻ hoặc giấy phép xây dựng.

Vì vậy, các chỉ số báo trước có xu hướng đi trước các chu kỳ kinh tế và, nói chung, phù hợp cho các phân tích ngắn và trung hạn. Ví dụ, giấy phép xây dựng có thể được coi là một loại chỉ số kinh tế báo trước. Chúng có thể báo hiệu nhu cầu tương lai đối với nguồn lao động cho ngành xây dựng cũng như tình hình đầu tư vào thị trường bất động sản.

Chỉ số báo sau

Trái ngược với các chỉ số báo trước, các chỉ số báo sau được sử dụng để xác định các xu hướng đã đang xảy ra nhưng bản thân chúng không biểu hiện rõ rệt. Do đó, loại chỉ số này xuất hiện sau các chu kỳ kinh tế.

Thông thường, các chỉ số báo sau được sử dụng cho các phân tích dài hạn, dựa trên các dữ liệu lịch sử về kinh tế hoặc dữ liệu về giá trước đó. Nói cách khác, các chỉ số tụt báo sau đưa ra các tín hiệu dựa trên xu hướng thị trường hoặc sự kiện tài chính đã xảy ra hoặc thiết lập trước đó.

Chỉ số trùng hợp

Đây là loại chỉ số thứ ba đáng được đề cập mặc dù chúng ít phổ biến hơn trong không gian tiền điện tử, được gọi là các chỉ số trùng hợp. Các chỉ số này nằm trong khoảng giữa hai loại trên. Các chỉ số này được đưa ra gần như tức thời, cung cấp thông tin về tình hình kinh tế hiện tại.

Ví dụ, có thể tạo ra chỉ số trùng hợp bằng cách đo số giờ làm việc của một nhóm nhân viên hoặc tỷ lệ sản xuất của một ngành công nghiệp cụ thể, chẳng hạn như sản xuất hoặc khai thác.

Tuy nhiên, cần nhớ rằng các định nghĩa về các chỉ số báo trước, báo sau và trùng hợp không phải lúc nào cũng rõ ràng. Một số chỉ số có thể thuộc các loại khác nhau tùy thuộc vào phương pháp tính chỉ số và bối cảnh. Điều này đặc biệt phổ biến với các chỉ số kinh tế như Tổng sản phẩm quốc nội (GDP).

GDP vẫn được coi là một chỉ số báo sau vì nó được tính toán dựa trên dữ liệu lịch sử. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, nó có thể phản ánh những thay đổi kinh tế gần như ngay lập tức, khiến nó trở thành chỉ số trùng hợp.

Sử dụng trong phân tích kỹ thuật

Như đã đề cập, các chỉ số kinh tế cũng là một phần của thị trường tài chính. Nhiều nhà giao dịch và nhà đồ thị học triển khai các công cụ phân tích kỹ thuật có thể được định nghĩa là các chỉ số báo trước hoặc chỉ số báo sau.

Về cơ bản, các chỉ số TA báo trước cung cấp các thông tin có tính chất dự đoán. Các chỉ số này thường dựa trên giá thị trường và khối lượng giao dịch. Điều này có nghĩa là chúng có thể chỉ ra những biến động thị trường có thể sắp xảy ra. Nhưng, giống như bất kỳ chỉ số nào, chúng không phải lúc nào cũng chính xác.

Một số chỉ số báo trước được sử dụng trong phân tích kỹ thuật bao gồm Chỉ số Sức mạnh Tương đối (RSI) và Stochastic RSI. Theo một nghĩa nào đó, ngay cả biểu đồ hình nến cũng có thể được coi là một loại chỉ số báo trước nhờ vào các xu hướng mà chúng đưa ra. Trong thực tế, các xu hướng này có thể cung cấp cái nhìn sâu sắc về các sự kiện sẽ xảy ra trên thị trường.

Mặt khác, các chỉ số TA báo sau được dựa trên các dữ liệu đã xảy ra và giúp nhà giao dịch hiểu rõ hơn về các sự kiện đã xảy ra. Tuy nhiên, chỉ số này vẫn có thể có ích để phát hiện thời điểm khi một xu hướng mới trên thị trường sẽ bắt đầu. Ví dụ, khi giá ngừng tăng và giảm xuống dưới mức trung bình động, điều này có thể cho thấy sự bắt đầu của một xu hướng giảm.

Trong một số trường hợp, hai loại chỉ số này có thể xuất hiện trong cùng một hệ thống biểu đồ. Ví dụ Đám mây Ichimoku, bao gồm cả hai chỉ số báo trước và báo sau.

Cả hai chỉ số này đều có các ưu điểm và nhược điểm trong phân tích kỹ thuật. Các chỉ số báo trước có thể dự đoán xu hướng trong tương lai và dường như có thể mang đến những cơ hội tốt nhất cho các nhà giao dịch. Tuy nhiên, vấn đề là các chỉ số báo trước thường xuyên đưa ra các tín hiệu sai lệch.

Trong khi đó, các chỉ số báo sau có xu hướng đáng tin cậy hơn vì chúng dựa trên các dữ liệu thị trường đã xảy ra. Tuy nhiên, nhược điểm rõ ràng của các chỉ số báo sau là sự phản ứng chậm trễ với các biến động của thị trường. Trong một số trường hợp, các tín hiệu có thể được đưa ra quá muộn để nhà giao dịch có thể kịp mở một vị thế thuận lợi, dẫn đến lợi nhuận tiềm năng thấp hơn.

Sử dụng trong kinh tế vĩ mô

Ngoài tác dụng của chúng trong việc đánh giá xu hướng thị trường giá cả, các chỉ số này cũng được sử dụng để phân tích các xu hướng kinh tế vĩ mô. Chỉ số kinh tế khác với các chỉ số được sử dụng để phân tích kỹ thuật, nhưng vẫn có thể được phân loại chung thành hai loại, chỉ số báo trước và chỉ số báo sau.

Ngoài các ví dụ ở trên, các chỉ số kinh tế báo trước còn có thể là doanh thu bán lẻ, giá nhà đất và mức độ của hoạt động sản xuất. Nhìn chung, các chỉ số này được cho là có thể làm thúc đẩy hoạt động kinh tế trong tương lai, hoặc ít nhất đem đến khả năng dự đoán tương lai.

Hai chỉ số kinh tế vĩ mô báo sau kinh điển là tỷ lệ thất nghiệp và lạm phát. Cùng với GDP và CPI, các chỉ số này thường được sử dụng để so sánh mức độ phát triển của các quốc gia khác nhau – hoặc để đánh giá sự tăng trưởng của một quốc gia giữa các năm và thập kỷ.

Kết luận

Cho dù được sử dụng trong phân tích kỹ thuật hay kinh tế vĩ mô, các chỉ số báo trước và báo sau đều đóng vai trò quan trọng trong nhiều loại nghiên cứu tài chính. Các chỉ số này giúp giải thích các loại dữ liệu khác nhau, và có khả năng kết hợp nhiều khái niệm trong một công cụ.

Do đó, các chỉ số này có thể dự đoán xu hướng sẽ xảy ra trong tương lai hoặc xác nhận những xu hướng đã xảy ra. Ngoài ra, đây cũng là công cụ hữu ích để đánh giá sự tăng trưởng kinh tế của một quốc gia so với chính nó trong các năm trước đây hoặc so với các quốc gia khác.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây