Top 7 công nghệ cung cấp Metaverse

0
68

Tóm lược

Metaverse là khái niệm về thế giới kỹ thuật số 3D. Thế giới này bao gồm các không gian ảo mà bạn có thể khám phá bằng cách sử dụng avatar do bạn tạo ra. Trong metaverse, bạn có thể chơi game, mua sắm, đi chơi với bạn bè tại một quán cà phê ảo, làm việc với đồng nghiệp trong văn phòng ảo và nhiều hoạt động khác. Một số trò chơi điện tử và công cụ tương tác trong công việc đã triển khai các yếu tố metaverse nhất định trong hệ sinh thái của họ.

Những dự án tiền mã hóa như Decentraland và The Sandbox đã sở hữu và đang vận hành thế giới kỹ thuật số của họ. Tuy vậy, khái niệm metaverse còn tương đối mới nên đa số các chức năng vẫn đang được phát triển. Các công ty như Facebook (nay là Meta), Microsoft và Nvidia cũng đã bắt đầu tạo phiên bản metaverse của mình.

Để cung cấp trải nghiệm ảo metaverse thật sống động, các công ty công nghệ đang kết hợp nhiều công nghệ tiên tiến để thúc đẩy sự phát triển của thế giới 3D. Những công nghệ này bao gồm blockchain, thực tế ảo tăng cường (AR) và thực tế ảo (VR), tái tạo 3D, trí tuệ nhân tạo (AI) và Internet vạn vật (IoT).

Giới thiệu

Ý tưởng về metaverse được lấy cảm hứng từ Neal Stephenson vào năm 1992. Cuốn tiểu thuyết khoa học viễn tưởng Snow Crash của ông hình dung về một thế giới trực tuyến nơi mọi người có thể sử dụng avatar kỹ thuật số để khám phá và thoát khỏi thế giới thực. Nhiều thập kỷ sau, các công ty công nghệ lớn đã bắt đầu xây dựng những phiên bản metaverse tương lai của riêng họ. Metaverse là gì và các công ty lớn đang tiếp cận metaverse như thế nào trong lĩnh vực công nghệ?

Metaverse là gì?

Metaverse là khái niệm về thế giới kỹ thuật số 3D trực tuyến có đất đai và vật thể ảo. Hãy tưởng tượng một thế giới nơi bạn có thể làm việc từ xa, ghé thăm bảo tàng ảo để xem các tác phẩm nghệ thuật mới nhất hay tham gia một buổi hòa nhạc ảo của ban nhạc rock cùng những người hâm mộ khác – bạn có thể thoải mái làm tất cả việc này ngay tại chính ngôi nhà của mình.

Axie Infinity, The Sandbox, Decentraland đã kết hợp một số khía cạnh của metaverse để đưa nhiều yếu tố trong cuộc sống của chúng ta vào thế giới trực tuyến. Tuy nhiên, metaverse vẫn đang trong quá trình phát triển. Không ai biết liệu sẽ chỉ có một metaverse lớn bao trùm hay nhiều metaverse sẽ giúp bạn di chuyển khắp nơi. 

Ý tưởng này vẫn đang tiếp tục phát triển, nên metaverse được kỳ vọng sẽ vượt xa các trò chơi điện tử và nền tảng mạng xã hội. Làm việc từ xa, quản trị phi tập trung và định danh số chỉ là một vài tính năng tiềm năng mà metaverse có thể hỗ trợ. Thế giới này còn có thể trở nên đa chiều hơn khi sử dụng kính và tai nghe VR được kết nối, nhờ đó người dùng thực sự có thể đi lại xung quanh để khám phá không gian 3D.

Phát triển mới nhất của metaverse

Nhờ sự kiện Facebook đổi tên thành Meta vào tháng 10 năm 2021, metaverse đã trở thành cụm từ yêu thích mới. Để phục vụ cho việc đổi thương hiệu, gã khổng lồ trong lĩnh vực mạng xã hội này đã rót nguồn lực vào một phòng ban mới có tên là Reality Labs (Phòng thí nghiệm thực tế) và chi tối thiểu 10 tỷ đô la trong năm 2021. Ý tưởng là phát triển nội dung, phần mềm metaverse cũng như tai nghe AR và VR. CEO Mark Zuckerberg tin rằng trong tương lai, metaverse sẽ phổ biến rộng rãi như điện thoại thông minh.

Đại dịch COVID-19 cũng khiến mọi người quan tâm hơn đến việc phát triển metaverse. Nhu cầu kết nối với người khác theo cách thức mang tính tương tác hơn ngày càng tăng vì mọi người bắt đầu làm việc từ xa nhiều hơn. Ngày càng có nhiều không gian 3D ảo cho phép đồng nghiệp cùng tham gia cuộc họp, trò chuyện và phối hợp. Ví dụ như Microsoft Mesh ra mắt vào tháng 11 năm 2021. Microsoft Mesh có không gian sống động cho phép người dùng sử dụng avatar của mình để tham gia và cộng tác, nhờ vậy mà các cuộc họp nhóm từ xa trở nên lôi cuốn và vui vẻ hơn.

Một số trò chơi trực tuyến cũng đang áp dụng metaverse. Trò chơi AR trên thiết bị di động Pokémon Go là một trong những trò chơi đầu tiên khai thác khái niệm này bằng cách cho phép người chơi dùng ứng dụng điện thoại thông minh để săn Pokémon ảo trong thế giới thực. Một trò chơi phổ biến khác là Fortnite đã mở rộng sản phẩm của mình sang các hoạt động khác trong thế giới kỹ thuật số bao gồm tổ chức sự kiện và buổi hòa nhạc quảng bá thương hiệu. 

Ngoài nền tảng trò chơi và mạng xã hội, các công ty công nghệ như Nvidia đã mở thêm nhiều cơ hội mới trong thế giới ảo. Nvidia Omniverse là một nền tảng mở được thiết kế để kết nối các không gian 3D thành một vũ trụ chung, tạo điều kiện hợp tác trực tuyến giữa các kỹ sư, nhà thiết kế và người sáng tạo. Nền tảng này đang được sử dụng trong nhiều lĩnh vực. Ví dụ: Tập đoàn BMW sử dụng Omniverse để giảm thời gian sản xuất và nâng cao chất lượng sản phẩm bằng cách áp dụng quy trình sản xuất thông minh.

Các công nghệ chủ chốt cung cấp metaverse

Để giúp trải nghiệm metaverse sống động hơn, các công ty đang sử dụng những công nghệ tiên tiến như blockchain, thực tế ảo tăng cường (AR), thực tế ảo (VR), tái tạo 3D, trí tuệ nhân tạo (AI) và Internet vạn vật (IoT) để hỗ trợ thế giới 3D.

Blockchain và tiền mã hóa

Công nghệ blockchain cung cấp giải pháp phi tập trung và minh bạch cho bằng chứng về quyền sở hữu kỹ thuật số, khả năng sưu tầm trong thế giới số, chuyển giao giá trị, quản trị, khả năng tiếp cận và khả năng tương tác. Tiền mã hóa cho phép người dùng chuyển giao giá trị khi làm việc và hòa nhập xã hội trong thế giới kỹ thuật số 3D. 

Ví dụ: Tiền mã hóa có thể dùng để mua đất đai ảo ở Decentraland. Người chơi có thể mua các lô đất 16×16 mét dưới dạng token không thể thay thế (NFT) bằng tiền mã hóa MANA của trò chơi. Nhờ sự hỗ trợ của công nghệ blockchain, người chơi có thể thiết lập và bảo đảm quyền sở hữu các khu đất ảo này.

Trong tương lai, tiền mã hóa có thể khuyến khích mọi người thực sự làm việc trong metaverse. Vì ngày càng nhiều công ty chuyển đổi thành văn phòng trực tuyến để làm việc từ xa, chúng ta sẽ thấy những lời mời ứng tuyển liên quan đến metaverse.

Để tìm hiểu sâu hơn về những lĩnh vực này, vui lòng xem Metaverse là gì?

Thực tế ảo tăng cường (AR) và thực tế ảo (VR)

Thực tế ảo tăng cường (AR) và thực tế ảo (VR) có thể mang đến cho chúng ta trải nghiệm 3D sống động và hấp dẫn. Đây là cổng vào thế giới ảo của chúng ta. Nhưng điểm khác biệt giữa AR và VR là gì?

AR sử dụng các nhân vật và yếu tố kỹ thuật số trực quan để biến đổi thế giới thực. AR dễ tiếp cận hơn VR và có thể dùng trên đa số điện thoại thông minh hay thiết bị kỹ thuật số có máy ảnh. Thông qua ứng dụng AR, người dùng có thể quan sát môi trường xung quanh bằng hình ảnh số trực quan có tính tương tác giống như khi chơi Pokémon GO trên thiết bị di động. Khi người chơi mở camera trên điện thoại, họ có thể nhìn thấy các Pokémon trong môi trường thực tế.

VR lại hoạt động theo cách khác. Giống như khái niệm metaverse, VR tạo ra một môi trường ảo hoàn toàn do máy tính thiết lập. Người dùng có thể sử dụng tai nghe, găng tay và cảm biến VR để khám phá môi trường này.

Cách thức hoạt động của AR và VR thể hiện mô hình sơ khai của metaverse. VR đã và đang tạo ra một thế giới kỹ thuật số kết hợp nội dung hình ảnh hư cấu. Khi công nghệ dần hoàn thiện hơn, VR có thể mở rộng trải nghiệm metaverse đến mức mô phỏng vật lý bằng thiết bị VR. Người dùng sẽ có thể cảm nhận, nghe và tương tác với người khác từ khắp mọi nơi trên thế giới. Xét đến sự quảng cáo rầm rộ về metaverse, chúng ta có thể mong đợi sẽ có thêm nhiều công ty metaverse đầu tư phát triển thiết bị AR và VR trong tương lai gần.

Trí tuệ nhân tạo (AI)

Những năm gần đây, trí tuệ nhân tạo (AI) đã được ứng dụng rộng rãi trong cuộc sống của chúng ta: hoạch định chiến lược kinh doanh, đưa ra quyết định, nhận dạng khuôn mặt, tính toán nhanh hơn, v.v. Gần đây, các chuyên gia AI đang nghiên cứu khả năng ứng dụng AI để tạo ra những metaverse sống động. 

AI có khả năng xử lý nhiều dữ liệu với tốc độ cực nhanh. Kết hợp với kỹ thuật máy học, các thuật toán AI có thể học hỏi từ các phép lặp trước đó, tính đến dữ liệu cũ, để cung cấp kết quả duy nhất kèm theo thông tin chi tiết. 

Trong metaverse, có thể áp dụng AI cho các nhân vật không phải người chơi (NPC) ở những tình huống khác nhau. NPC có trong hầu hết mọi trò chơi; đây là một phần của môi trường trò chơi được thiết kế để bày tỏ cảm xúc và phản hồi lại các hành động của người chơi. Với khả năng xử lý của AI, NPC có thể được đặt trong không gian 3D để hỗ trợ những cuộc trò chuyện như thật với người dùng hoặc thực hiện các công việc cụ thể khác. Không giống như người dùng là con người, một NPC AI có thể tự hoạt động và được hàng triệu người chơi sử dụng cùng lúc. NPC còn có thể hoạt động bằng nhiều ngôn ngữ.

Một ứng dụng tiềm năng khác của AI là tạo ra các avatar metaverse. Người dùng có thể sử dụng công cụ AI để phân tích hình ảnh 2D hoặc quét 3D nhằm tạo các avatar trông giống thật và chính xác hơn. Để làm cho quá trình linh hoạt hơn, AI cũng có thể dùng để tạo các biểu cảm khuôn mặt, kiểu tóc, quần áo và đặc điểm khác nhau, nhờ đó người kỹ thuật số mà chúng ta tạo ra trông sống động hơn.

Tái tạo 3D

Tái tạo 3D không phải công nghệ mới nhưng đang được sử dụng ngày càng nhiều trong thời kỳ đại dịch, đặc biệt trong ngành bất động sản, khi các biện pháp phong tỏa khiến người mua tiềm năng không thể đến xem bất động sản trực tiếp. Do đó, một số văn phòng bất động sản đã áp dụng công nghệ tái tạo 3D để tạo ra các chuyến tham quan bất động sản trực tuyến. Giống như metaverse mà chúng ta hình dung, người mua cũng có thể xem xét ngôi nhà mới tiềm năng và mua nhà ở bất cứ đâu không cần bước chân vào bên trong.

Một trong những thách thức đối với metaverse là việc tạo ra môi trường kỹ thuật số gần với thế giới thực nhất có thể. Nhờ sự trợ giúp của tái tạo 3D, metaverse có thể tạo ra những không gian chân thực và tự nhiên. Thông qua máy ảnh 3D đặc biệt, chúng ta có thể biến thế giới thực thành không gian trực tuyến bằng cách kết xuất chính xác mô hình 3D chân thực của các tòa nhà, địa điểm và vật thể thật. Sau đó, dữ liệu không gian 3D và ảnh chụp 4K HD được chuyển đến máy tính để xử lý và tạo ra một bản sao ảo trong metaverse cho người dùng trải nghiệm. Bản sao ảo như vậy của các đối tượng trong thế giới thực còn được gọi là bản sao kỹ thuật số.

Internet vạn vật (IoT)

Khái niệm Internet vạn vật (IoT) được giới thiệu lần đầu tiên vào năm 1999. Về cơ bản, IoT là hệ thống thu thập mọi thứ trong thế giới thực của chúng ta và kết nối chúng với Internet thông qua cảm biến và thiết bị. Sau khi kết nối Internet, các thiết bị này sẽ có một mã định danh duy nhất và có khả năng tự động gửi hoặc nhận thông tin. Ngày nay, IoT kết nối các thiết bị điều nhiệt, loa kích hoạt bằng giọng nói, thiết bị y tế cùng các thiết bị khác với nhiều loại dữ liệu.

Một trong những ứng dụng của IoT trên metaverse là thu thập và cung cấp dữ liệu từ thế giới thực. Điều này sẽ làm tăng độ chính xác của các yếu tố đại diện kỹ thuật số. Ví dụ: Nguồn cấp dữ liệu IoT có thể thay đổi cách hoạt động của một số đối tượng metaverse nhất định dựa trên thời tiết hiện tại hoặc các điều kiện khác. 

Việc triển khai IoT có thể kết nối thế giới 3D một cách liền mạch với hàng loạt thiết bị trong đời sống thực. Điều này cho phép tạo ra các mô phỏng theo thời gian thực trong metaverse. Để tối ưu hóa hơn nữa môi trường metaverse, IoT cũng có thể sử dụng AI và máy học để quản lý dữ liệu thu thập được.

Những thách thức của Metaverse

Metaverse vẫn đang trong giai đoạn phát triển ban đầu. Một số thách thức bao gồm khả năng xác thực danh tính và kiểm soát quyền riêng tư. Trong thế giới thực, thường không khó để xác định danh tính một ai đó. Nhưng khi mọi người lướt web trong thế giới kỹ thuật số bằng avatar của họ, sẽ rất khó để chứng minh danh tính của một người. Ví dụ: Các tác nhân độc hại hay thậm chí là các bot có thể xâm nhập vào metaverse và giả vờ là một người. Chúng có thể lợi dụng điều này để làm tổn hại danh tiếng của một người hoặc lừa đảo người dùng khác.

Một thách thức khác là về quyền riêng tư. Metaverse dựa trên các thiết bị AR và VR để mang lại trải nghiệm sống động. Những công nghệ này, với khả năng tích hợp camera và mã số nhận dạng duy nhất, có thể dẫn đến trường hợp rò rỉ thông tin cá nhân ngoài ý muốn.

Tổng kết

Trong khi metaverse vẫn đang trong giai đoạn phát triển, nhiều công ty đã bắt đầu khám phá tiềm năng của nó. Decentraland và The Sandbox là những dự án đáng chú ý trong không gian tiền mã hóa; các công ty lớn như Microsoft, Nvidia và Facebook cũng đã tham gia. Khi công nghệ AR, VR và AI ngày càng phát triển, có thể chúng ta sẽ được thấy các tính năng mới thú vị trong thế giới ảo xuyên biên giới này.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây