Tiền Mã Hóa Là Gì?

0
82

Danh sách chương

  1. Tiền mã hóa
  2. Blockchain hoạt động như thế nào?
  3. Làm thế nào để đầu tư tiền mã hoá?
  4. Các câu hỏi thường gặp về tiền mã hoá

Chương 1 – Tiền mã hoá 101

Nội dung

  • Tiền mã hóa là gì?
  • Điều gì làm cho tiền mã hoá trở nên độc đáo?
  • Vì sao lại gọi là tiền mã hóa?
  • Mật mã khóa công khai là gì?
  • Ai đã phát minh ra tiền mã hoá?
  • Sự khác biệt giữa tiền mã hoá và token là gì?
  • Ví tiền mã hóa là gì?

Tiền mã hóa là gì?

Tiền mã hóa (hay “tiền điện tử”) là một dạng tiền mặt kỹ thuật số cho phép các cá nhân truyền tải giá trị trong một môi trường kỹ thuật số.

Có thể bạn đang tự hỏi hệ thống này khác với PayPal hoặc các ứng dụng ngân hàng mà bạn thường dùng trên điện thoại như thế nào. Bề ngoài chúng có vẻ có những công dụng giống nhau – trả tiền cho bạn bè, mua hàng từ trang web yêu thích – nhưng về cơ bản, chúng lại hoàn toàn khác nhau.

Điều gì làm cho tiền mã hoá trở nên độc đáo?

Thực tế, tiền mã hóa rất độc đáo. Mặc dù, tiền mã hóa có các chức năng chính hoạt động tương tự như nhiều hệ thống tiền mặt điện tử. Tuy nhiên, toàn bộ hệ thống không thuộc sở hữu của bất kỳ bên nào.

Một loại tiền mã hoá tốt phải đảm bảo được tính phi tập trung . Không có một ngân hàng trung ương hoặc một tập hợp nhỏ người dùng nào có thể thay đổi các quy tắc mà không có được sự đồng thuận. Những người tham gia vào mạng (các node) chạy phần mềm kết nối họ với những người tham gia khác để có thể chia sẻ thông tin với nhau.

Hệ thống tập trung và hệ thống phi tập trung

So sánh mạng tập trung và mạng phi tập trung.

Bên trái là mô phỏng cách vận hành của hệ thống ngân hàng truyền thống. Để giao tiếp, người dùng bắt buộc phải thông qua máy chủ trung tâm. Mô hình bên phải không có sự phân cấp: các node được kết nối và chuyển tiếp thông tin với nhau.

Sự phi tập trung của các mạng lưới tiền mã hoá khiến chúng có khả năng chống bị tắt đột ngột và kiểm duyệt một cách hiệu quả. Ngược lại, để làm tê liệt một mạng tập trung, bạn chỉ cần phá vỡ máy chủ chính. Nếu một ngân hàng bị xóa sạch cơ sở dữ liệu và không có bản sao lưu, sẽ rất khó xác định số dư của người dùng.

Với tiền mã hóa, mỗi node giữ một bản sao của cơ sở dữ liệu. Mỗi người hoạt động hiệu quả như một máy chủ riêng lẻ. Vài node lẻ có thể chuyển sang chế độ offline, nhưng các node khác trên cùng mạng vẫn có thể lấy thông tin từ các node khác.

Do đó, tiền mã hoá có thể hoạt động 24 giờ một ngày, 365 ngày một năm. Chúng cho phép chuyển giá trị đến mọi nơi trên toàn cầu mà không cần sự can thiệp của các bên trung gian. Đây là lý do tại sao chúng ta thường gọi nó là tính chất  không cần cấp quyền: bất kỳ ai có kết nối Internet đều có thể chuyển tiền.

Vì sao lại gọi là tiền mã hóa?

Thuật ngữ “tiền mã hoá” là một từ ghép của mã hóatiền tệ. Các đồng tiền dạng này sử dụng các kỹ thuật mật mã để bảo mật các giao dịch giữa người dùng với người dùng.

Mật mã khóa công khai là gì?

Mật mã khóa công khai là nền tảng của các mạng lưới tiền mã hoá. Nó là những thứ giúp người dùng gửi và nhận tiền. 

Trong bộ mật mã khóa công khai, bạn có một khóa công khai và một khóa riêng tư. Về cơ bản, khóa riêng tư là một con số khổng lồ mà không ai có thể đoán được. Con số này lớn đến mức khó tưởng tượng. 

Đối với Bitcoin, việc đoán ra khóa riêng tư khó tương đương với việc đoán đúng kết quả của 256 lần tung đồng xu. Thực tế, với máy tính hiện đại, bạn không thể bẻ được khóa của ai khác trước khi vũ trụ bị nổ tung.

Dù sao, giống như tên gọi, khóa riêng tư là để bạn giữ cho riêng mình. Từ khóa này, bạn có thể tạo ra khóa công khai. Khóa công khai có thể được trao cho bất kỳ ai một cách an toàn. Về mặt kỹ thuật, người ta không thể truy ngược từ khóa công khai ra khóa riêng tư của bạn.

Bạn cũng có thể tạo các chữ ký điện tử bằng cách ký dữ liệu bằng khóa riêng tư của mình. Nó cũng tương tự như việc ký một tài liệu trong thế giới thực. Sự khác biệt ở đây chính là bất kỳ ai cũng có thể khẳng định liệu một chữ ký có hợp lệ hay không bằng cách so sánh nó với khóa công khai tương ứng. Bằng cách này, người dùng không cần phải tiết lộ khóa riêng tư của họ, nhưng vẫn có thể chứng minh quyền sở hữu đối với nó.

Trong lĩnh vực tiền mã hoá, bạn chỉ có thể tiêu tiền của mình nếu bạn có khóa riêng tư tương ứng. Khi bạn thực hiện một giao dịch, bạn đang thông báo với mạng rằng bạn muốn di chuyển đơn vị tiền tệ của mình. Điều này được thông báo trong một tin nhắn (tức là giao dịch), được ký và thêm vào cơ sở dữ liệu (blockchain) của tiền mã hoá. Như đã đề cập, bạn cần khóa riêng tư để tạo chữ ký điện tử. Và vì bất kỳ ai cũng có thể xem cơ sở dữ liệu, họ có thể kiểm tra xem giao dịch của bạn có hợp lệ hay không bằng cách kiểm tra chữ ký.

Ai đã phát minh ra tiền mã hoá?

Từng có nhiều nỗ lực tạo ra tiền mặt kỹ thuật số trong quá khứ, nhưng đến năm 2009 thì loại tiền mã hoá đầu tiên là Bitcoin mới được phát hành. Bitcoin được tạo ra bởi một người hoặc một nhóm người sử dụng bút danh Satoshi Nakamoto. Cho đến nay, danh tính thực sự của Satoshi Nakamoto vẫn là một bí ẩn.

Bitcoin là khởi đầu của một lượng lớn các loại tiền mã hóa được sinh ra sau đó – một số có mục đích cạnh tranh, một số tìm cách tích hợp các tính năng không có sẵn trong Bitcoin. Ngày nay, nhiều blockchain không chỉ cho phép người dùng gửi và nhận tiền mà còn cho phép chạy các ứng dụng phi tập trung bằng cách sử dụng các hợp đồng thông minh. Ethereum là ví dụ điển hình nhất về một blockchain như vậy.

Sự khác biệt giữa tiền mã hoá và token là gì?

Thoạt nhìn, tiền mã hoá và token có vẻ giống hệt nhau. Cả hai đều được giao dịch trên các sàn giao dịch và có thể được gửi đi giữa các địa chỉ blockchain.

Tiền mã hoá chỉ được dùng như tiền, như phương tiện trao đổi, lưu trữ giá trị hoặc cả hai. Mỗi đơn vị đều có thể thay thế lẫn nhau về mặt chức năng, nghĩa là mỗi một đồng tiền có giá trị ngang nhau.

Bitcoin và các loại tiền mã hoá ban đầu khác được thiết kế như một loại tiền tệ, nhưng các nhà phát triển đã tìm ra nhiều cách có thể thực hiện trên blockchain hơn thế. Ví dụ,Ethereum không chỉ cung cấp chức năng tiền tệ. Nó cho phép các nhà phát triển chạy code (các hợp đồng thông minh ) trên mạng phân tán và tạo token cho nhiều ứng dụng phi tập trung khác nhau. 

Token có thể được sử dụng giống như tiền mã hoá, nhưng chúng linh hoạt hơn. Bạn có thể đúc ra hàng triệu token giống hệt nhau hoặc tạo ra một số với các đặc tính độc nhất. Token có thể đóng vai trò như bất cứ thứ gì, từ biên lai kỹ thuật số, đại diện cho cổ phần trong công ty đến đại diện cho điểm khách hàng thân thiết.

Trên một giao thức hỗ trợ hợp đồng thông minh, tiền tệ cơ sở (được sử dụng để thanh toán cho các giao dịch hoặc ứng dụng) tách biệt với các token của nó. Ví dụ: trong Ethereum, đồng tiền gốc là ether (ETH) và nó phải được sử dụng để tạo và chuyển các token trong mạng Ethereum. Các token này được thực hiện theo các tiêu chuẩn như ERC-20 hoặc ERC-721 .

Ví tiền mã hóa là gì?

Về cơ bản, ví tiền mã hoá là thứ chứa các khóa riêng tư của bạn. Nó có thể là một thiết bị được xây dựng có mục đích (ví phần cứng), một ứng dụng trên PC hoặc điện thoại thông minh, hoặc thậm chí là một tờ giấy .

Ví là giao diện mà hầu hết người dùng sẽ dựa vào để tương tác với mạng tiền mã hoá. Các loại ví khác nhau sẽ cung cấp các chức năng khác nhau – và rõ ràng, ví giấy không thể dùng để ký giao dịch hoặc hiển thị giá trị hiện tại tính bằng tiền pháp định . 

Để thuận tiện, ví phần mềm (.ví dụ: Trust Wallet) được coi là tối ưu cho việc sử dụng với các khoản thanh toán hàng ngày. Đối với bảo mật, ví phần cứng hầu như không có đối thủ về khả năng bảo vệ khóa cá nhân khỏi những con mắt tò mò. Người dùng tiền mã hoá có xu hướng giữ tiền trong cả hai loại ví.


Chương 2 – Blockchain hoạt động như thế nào?

Nội dung

  • Blockchain là gì?
  • Các khối được thêm vào blockchain như thế nào?
  • Việc khai thác trên Ethereum diễn ra như thế nào?
  • Có thể mở rộng quy mô tiền mã hóa hay không?
  • Ai được ra quyết định cho phần mềm tiền mã hóa?

Blockchain là gì?

Blockchain là một loại cơ sở dữ liệu đặc biệt, nơi dữ liệu chỉ có thể được thêm vào (và không được xóa hoặc thay đổi). Các giao dịch được thêm định kỳ vào một chuỗi khối, bên trong cái mà chúng ta gọi là block ( thứ được tạo thành từ thông tin giao dịch và các metadata quan trọng khác).

Chúng ta gọi cấu trúc này là một chuỗi vì metadata của mỗi khối bao gồm một phần thông tin liên kết của nó với khối trước đó. Cụ thể, nó bao gồm một hàm băm của khối trước, bạn có thể tưởng tượng nó giống như một dấu vân tay kỹ thuật số duy nhất. 

Xác suất để hai phần dữ liệu cung cấp cho bạn cùng một đầu ra từ một hàm băm là rất thấp. Do đó, nếu ai đó cố gắng sửa đổi một khối cũ hơn, hàm băm của nó sẽ khác, có nghĩa là hàm băm của khối tiếp theo cũng sẽ khác, v.v. Do đó, nếu một khối bị thay đổi, tất cả các khối sau cũng sẽ bị thay đổi.

Dãy băm của mỗi khối được đặt trong khối tiếp theo. Điều này tạo thành các chuỗi các khối (blockchain).

Dãy băm của mỗi khối được đặt trong khối tiếp theo. Điều này tạo thành các chuỗi các khối (blockchain).

Những người tham gia mạng phải tải xuống toàn bộ blockchain. Trước đó, chúng ta đã đề cập đến việc bất kỳ ai cũng có thể xác thực các giao dịch và chữ ký bằng mật mã khóa công khai? Khi một node nhận được một khối, nó sẽ thực hiện một số kiểm tra. Nếu bất kỳ điều gì không hợp lệ, khối sẽ bị từ chối.

Khi một node nhận được một khối hợp lệ, nó sẽ tạo bản sao của khối đó cho chính nó và sau đó truyền khối này đến các node khác. Các node khác thực thi tương tự cho đến khi khối đã lan rộng ra toàn bộ mạng. Quá trình này cũng diễn ra đối với các giao dịch chưa được xác nhận – nghĩa là các giao dịch đã xuất hiện, nhưng chưa được đưa vào blockchain.

Xem thêm: Hướng dẫn về Công nghệ Blockchain cho Người mới bắt đầu .

Các khối được thêm vào blockchain như thế nào?

Tính toàn vẹn của blockchain sẽ bị hủy hoại nếu thông tin tài chính sai lệch có thể được ghi lại. Tuy vậy, không có quản trị viên hoặc người lãnh đạo nào trong hệ thống phi tập trung duy trì sổ cái – vậy làm thế nào để đảm bảo rằng những người tham gia đang hành động một cách trung thực?

Satoshi đã đề xuất hệ thống Bằng chứng Công việc , cho phép bất kỳ ai cũng có thể đề xuất một khối để gắn vào blockchain. Để đưa ra một khối, người dùng phải hy sinh sức mạnh điện toán để đoán một thử thách do giao thức đặt ra.

Bằng chứng Công việc là chương trình được dùng và thử nghiệm nhiều nhất để đạt được sự đồng thuận giữa những người dùng, nhưng nó không phải là chương trình duy nhất. Các giải pháp thay thế như Bằng chứng Cổ phần  đang ngày càng được triển khai nhiều hơn, mặc dù chúng vẫn chưa được triển khai đúng cách ở dạng thực của chúng (dù các cơ chế đồng thuận kết hợp đã ra đời được một thời gian).

Xem thêm: Thuật toán đồng thuận Blockchain là gì?

Việc khai thác trên Ethereum diễn ra như thế nào?

Ảnh tiêu đề khai thác

Quá trình được đề cập ở trên được gọi là khai thác/đào. Nếu thợ đào giải được câu đố, khối mà họ xây dựng sẽ mở rộng chuỗi. Kết quả là họ sẽ nhận được một phần thưởng bằng tiền gốc của blockchain.

Việc giải câu đố mật mã này liên quan đến việc băm dữ liệu nhiều lần để tạo ra một số thấp hơn một giá trị cụ thể. Băm với một hàm một chiều có nghĩa là hầu như không thể đoán được đầu vào với đầu ra. Nhưng với đầu vào, việc xác minh đầu ra là điều đơn giản. Bằng cách này, bất kỳ người tham gia nào cũng có thể xác minh người khai thác đã tạo ra một khối ‘đúng’ và từ chối những khối không hợp lệ. Trong trường hợp này, nếu thợ đào cố gắng giả mạo một khối không hợp lệ, họ sẽ không nhận được phần thưởng và tiêu tốn tài nguyên của mình.

Đây là kết quả của việc vận dụng lý thuyết trò chơi. Nếu bạn cố gắng gian lận, bạn sẽ phải trả giá đắt; nhưng bạn sẽ có lợi nếu như hành động trung thực. Không có tác nhân gây hại nào có đủ tài nguyên để tấn công vô thời hạn một mạng mạnh. Vì vậy, để thu hồi vốn đầu tư, người dùng phải tham gia đúng cách.

Xem thêm: Khai thác/đào tiền mã hoá là gì?

Có thể mở rộng quy mô tiền mã hóa hay không?

Như đã đề cập, các mạng phân tán không hiệu suất lắm. Thật không may, tiền mã hoá chỉ có thể an toàn và không cần kiểm duyệt nếu tất cả các node có thể đồng bộ hóa bản sao của blockchain. Tuy nhiên, cầu về tốc độ càng thấp thì mọi người càng dễ dàng tham gia. 

Bạn có thể hiểu lý do tại sao một chuỗi khối chỉ thêm một khối nhỏ sau mười phút lại thích hợp hơn việc một chuỗi khối có thể thêm một khối sau năm phút. Với lựa chọn 5 phút, các node phải là các máy tính có công suất cao để duy trì đồng bộ hóa. Từ đó, chúng đẩy các máy tính có công suất thấp chuyển sang chế độ offline. Điều này sẽ dẫn đến việc tập trung hóa, vì có ít máy tính trên mạng hơn.

Nhưng với các khối nhỏ hơn, chúng ta không thể đạt được nhiều giao dịch trên mỗi giây (TPS). Điều đó cũng có nghĩa là, trong những giai đoạn bận rộn, các giao dịch có thể mất một lúc để được thêm vào blockchain. Thật bất tiện nếu bạn muốn thanh toán nhanh, nhưng đó là cái giá phải trả cho sự phi tập trung.

Khả năng mở rộng là một vấn đề nan giải của blockchain. Một hệ thống có quy mô tốt là một hệ thống có thể dễ dàng tăng thông lượng, đi kèm với những nhược điểm tối thiểu. Khó có thể mở rộng quy mô các blockchain – như đã đề cập, nếu tăng thông lượng bằng cách dùng các khối lớn hơn, chúng ta sẽ làm cho tính phi tập trung của mạng bị kém đi.

Để tăng TPS mà không gây hại cho sự phi tập trung của mạng, việc mở rộng quy mô ngoài chuỗi dường như là một cách tiếp cận khả thi. Điều này bao gồm một loạt các giải pháp – tập trung và phi tập trung – cho phép thực hiện các giao dịch mà không cần đăng nhập chúng vào blockchain.

Tìm hiểu thêm một số ví dụ về khả năng mở rộng ngoài chuỗi: Khả năng mở rộng chuỗi khối: Sidechains và Kênh thanh toán .

Ai được ra quyết định cho phần mềm tiền mã hóa?

Các mạng tiền mã hóa hoạt động theo cách tự nguyện tham gia. Không ai ép bạn chạy phần mềm mà bạn không muốn. Với một giao thức tốt, code sẽ có nguồn mở để người dùng có thể chắc chắn về tính công bằng và bảo mật của hệ thống.

Nhìn chung, tiền mã hoá cho phép mọi người tham gia vào quá trình phát triển của chúng. Các tính năng hoặc chỉnh sửa mới về code được cộng đồng các nhà phát triển kiểm tra trước khi được đồng ý và xuất bản. Từ đó, người dùng có thể tự kiểm tra code và chọn chạy chúng hay không. 

Một số bản cập nhật sẽ tương thích ngược, nghĩa là các node được cập nhật sẽ vẫn giao tiếp với các nút cũ hơn. Các node khác sẽ không tương thích ngược – các nút cũ hơn sẽ bị “đá” khỏi mạng trừ khi chúng đã được cập nhật. Hãy đọc bài viết Hard Forks và Soft Forks để hiểu chi tiết về điều này.


Chương 3 – Làm cách nào để đầu tư tiền mã hoá?

Nội dung

  • Tôi nên mua đồng tiền mã hoá nào?
  • Nên học gì trước khi đầu tư vào tiền mã hoá?
  • Mua tiền tiền mã hoá ở đâu
    • Sàn giao dịch tập trung (CEX)
    • Sàn phi tập trung (DEX)
    • Giao dịch P2P
  • Cách mua tiền mã hoá
    • Cách mua tiền mã hóa trên Binance
    • Cách mua tiền mã hóa trên Binance DEX
    • Cách mua tiền mã hóa trên Binance P2P

Tôi nên mua đồng tiền mã hoá nào?

Chỉ có bạn mới đưa ra được quyết định – bạn nên thực hiện việc Tự nghiên cứu (DYOR) và quyết định dựa trên  các phân tích của mình. Như đã nói, có rất nhiều công cụ có thể giúp bạn đưa ra quyết định tốt hơn. Ví dụ: Binance Research là nơi cung cấp các thông tin chi tiết & phân tích đáng tin cậy về thị trường. Binance Research cũng đưa ra các báo cáo toàn diện về các dự án riêng lẻ.

Nếu bạn muốn phân tích về tiền mã hóa, điều cơ bản đầu tiên là bạn cần tìm hiểu về cách hoạt động của Bitcoin. Để hiểu rõ hơn, bạn có thể đọc bài viết Bitcoin là gì? của chúng tôi! 

Nên học gì trước khi đầu tư vào tiền mã hoá?

Nên bắt đầu từ đâu? Có rất nhiều cách để phân tích thị trường tài chính. Nhìn chung, các nhà đầu tư chuyên nghiệp sẽ sử dụng đa dạng các chiến lược khác nhau. Tuy nhiên, ở cấp độ cao, có hai trường phái tư tưởng chính để đánh giá một khoản đầu tư: phân tích cơ bản (FA) và phân tích kỹ thuật (TA) .

Phân tích cơ bản là phương pháp đánh giá, định giá tài sản dựa trên các yếu tố kinh tế và tài chính. Các nhà phân tích sử dụng phương pháp xem xét các yếu tố kinh tế vĩ mô và vi mô, điều kiện ngành hoặc hoạt động kinh doanh cơ bản của tài sản (nếu có). Trong trường hợp của tiền mã hoá, họ có thể xem xét dữ liệu blockchain công khai, thứ đôi khi được gọi là các chỉ số trên chuỗi. 

Các chỉ số này có thể bao gồm: số lượng giao dịch, các địa chỉ, những người nắm giữ hàng đầu, tỷ lệ băm của mạng và vô số thông tin khác. Mục tiêu của phân tích này là đưa ra định giá của tài sản và so sánh định giá này với định giá hiện tại của nó. Cuối cùng, mục tiêu của cách tiếp cận này là xác định xem tài sản đang được định giá thấp hay được định giá quá cao so với giá hiện tại.

Phải nói rằng tiền mã hoá là một loại tài sản mới và đang phát triển. Có rất ít cơ hội để phân tích cơ bản có thể xác định giá trị của chúng. Nói một cách đơn giản, không có khuôn khổ chuẩn hóa nào để xác định giá trị của tiền mã hoá và hầu hết các mô hình hiện có không thể tin cậy ở mức độ cao. Sự thành công hay thất bại của một dự án tiền mã hoá có thể phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau, mà không có khuôn khổ hiện tại nào có thể giải thích được.

Các nhà phân tích kỹ thuật có một cách tiếp cận khác. Không giống như các nhà phân tích cơ bản, các nhà phân tích kỹ thuật không cố gắng xác định giá trị nội tại của một tài sản. Thay vào đó, họ đánh giá các cơ hội giao dịch và đầu tư dựa trên hoạt động giao dịch trong quá khứ. Họ làm điều đó bằng cách tập trung vào chuyển động giá, các mẫu biểu đồ, chỉ báo và nhiều công cụ biểu đồ khác để đánh giá sức mạnh hoặc điểm yếu của thị trường. Về bản chất, các nhà phân tích kỹ thuật tin rằng các biến động giá trước đây của một tài sản có thể có giá trị trong việc dự đoán các biến động giá trong tương lai của nó.

Vì phân tích kỹ thuật có thể được áp dụng cho bất kỳ thị trường nào có dữ liệu lịch sử, nên nó được các nhà giao dịch tiền mã hoá sử dụng rộng rãi.

Vậy bạn nên học cái nào? Chà, tại sao không phải là cả hai? Hầu hết các công cụ phân tích thị trường hoạt động tốt nhất khi được sử dụng kết hợp với các công cụ khác. Trong cả hai trường hợp, điều tối quan trọng là phải hiểu rủi ro tài chính và quản lý rủi ro, và không bao giờ đầu tư nhiều hơn số tiền bạn có thể để mất.

Mua tiền tiền mã hoá ở đâu

Có nhiều cách khác nhau để mua tiền mã hoá. Tuy nhiên, điều đầu tiên bạn cần làm là chuyển đổi tiền pháp định của mình thành tiền mã hoá. Sau đó, bạn có thể chọn HODL, giao dịch nó với các loại tiền mã hoá khác hoặc cho vay và kiếm lãi. Bây giờ, hãy điểm qua các hình thức giao dịch tiền mã hoá phổ biến nhất.

Sàn giao dịch tập trung (CEX)

Có thể bạn sẽ thấy khái niệm về sàn giao dịch tập trung là hơi khó hiểu vì tiền mã hóa thường được nhắc đến với tính chất phi tập trung. Nhưng ngắn gọn thì các sàn giao dịch tập trung là các nền tảng trực tuyến kết nối người mua và người bán.

Về cách hoạt động của sàn giao dịch tập trung, người dùng gửi tiền pháp định hoặc tiền mã hoá của họ vào sàn giao dịch và giao dịch trong các hệ thống nội bộ của sàn. Nếu bạn đã quen với cách ví tiền mã hoá hoạt động, bạn sẽ biết rằng, trong trường hợp này, tiền mã hoá của bạn được giữ dùm bởi sàn. Nhưng nếu bạn muốn rút tiền và lưu trữ chúng trong ví riêng thì cũng rất dễ dàng.

Một số người dùng có thể thích giữ tiền trên sàn giao dịch, vì họ thường xuyên giao dịch hoặc để cho thuận tiện hơn. Tuy nhiên, nếu sàn giao dịch bị tấn công, tiền của người dùng có thể gặp rủi ro.

Sàn phi tập trung (DEX)

Các sàn giao dịch phi tập trung hoạt động theo cách khác. Khi bạn đang sử dụng DEX, không có người giám sát nào tham gia. Một cách chính xác hơn thì loại hình này được gọi là sàn không giám sát.

Đây là những điều sẽ xảy ra khi bạn giao dịch trên DEX. Thay vì tiền của bạn được gửi vào ví của sàn giao dịch, bạn đang giao dịch trực tiếp từ ví của chính mình. Khi giao dịch được thực hiện, tiền được chuyển trực tiếp trên blockchain bằng cách sử dụng sự kỳ diệu của các hợp đồng thông minh .

Vì không có thực thể nào hoạt động như một người giám sát, một số người dùng xem đây là sự lựa chọn an toàn hơn so với CEX. Một ưu điểm khác là hầu hết các DEX không yêu cầu bạn cung cấp bất kỳ thông tin cá nhân nào ngoài địa chỉ ví blockchain. Tuy vậy, việc quản lý quỹ của riêng bạn đòi hỏi một số kiến thức chuyên môn kỹ thuật và bạn phải hoàn toàn chịu trách nhiệm cho tài sản của mình. 

Giao dịch P2P

Sàn giao dịch ngang hàng (P2P) cũng là nơi kết nối người mua và người bán, nhưng nó khác với cả CEX và DEX. Trong trường hợp này, bản thân sàn giao dịch không làm gì ngoài việc kết nối người mua và người bán; và sau đó, họ có thể giải quyết giao dịch theo bất kỳ cách nào họ đồng ý. Vì vậy, phương thức đặt cọc và thanh toán có thể được quyết định bởi người mua và người bán cho từng giao dịch riêng lẻ. 

Cách mua tiền mã hoá

Cách mua tiền mã hóa trên Binance

  1. Đăng nhập vào Binance, hoặc đăng ký nếu bạn chưa có tài khoản.
  2. Truy cập cổng Mua và Bán Tiền Mã Hóa
  3. Chọn loại tiền mã hoá bạn muốn mua và loại tiền bạn muốn thanh toán.
  4. Chọn phương thức thanh toán của bạn.
  5. Nhập thông tin thẻ ngân hàng của bạn và hoàn tất quá trình xác minh danh tính, nếu được nhắc.
  6. Hoàn tất! Tiền mã hoá sẽ được ghi có vào tài khoản Binance của bạn.

Cách mua tiền mã hóa trên Binance DEX

Sử dụng DEX phức tạp hơn một chút so với các lựa chọn khác.

Bạn cần chuẩn bị:

  1. Ví tiền mã hóa có thể kết nối với Binance DEX (chúng tôi khuyên bạn nên dùng Trust Wallet ). 
  2. Một số BNB để thanh toán phí giao dịch.

Khi bạn đã có chúng, hãy làm theo hướng dẫn chi tiết tiếp theo về Binance DEX:

  • Binance DEX: Hướng dẫn về giao diện
  • Binance DEX: Tạo ví
  • Binance DEX: Truy cập ví của bạn

Cách mua tiền mã hóa trên Binance P2P

  1. Đăng nhập vào Binance, hoặc đăng ký nếu bạn chưa có tài khoản.
  2. Truy cập cổng Binance P2P.
  3. Chọn xem bạn muốn mua hay bán. 
  4. Chọn đơn vị tiền tệ, phương thức thanh toán và các yêu cầu giao dịch khác. 
  5. Chọn một danh sách đáp ứng yêu cầu của bạn hoặc đăng danh sách của riêng bạn.

Các câu hỏi thường gặp về tiền mã hoá

Nội dung

  • Tiền mã hoá có hợp pháp không?
  • Tiền mã hóa có thể chết hay không?
  • Tiền mã hóa có an toàn không?
  • Tiền mã hoá có khả năng ẩn danh không?
  • Tiền mã hoá có giá trị không?
  • Tất cả các loại tiền kỹ thuật số có phải là tiền mã hoá?
  • Vốn hóa thị trường tiền mã hoá là gì?
  • Vì sao bạn cần trả phí giao dịch?
  • Tôi bị mất khóa. Tôi có thể lấy lại tiền của mình không?
  • Tương lai của tiền mã hoá là gì?

Tiền mã hoá có hợp pháp không?

Rất ít quốc gia ra lệnh cấm hoàn toàn đối với việc mua, bán và lưu trữ tiền mã hoá. Với phần lớn thế giới, Bitcoin và các loại tiền ảo khác hoàn toàn hợp pháp. Nhưng trước khi bắt đầu với chúng, bạn nên kiểm tra xem khu vực của bạn có cho phép nó hay không.

Điều quan trọng cần nhớ là mỗi quốc gia có một cách tiếp cận khác nhau để điều chỉnh các hoạt động về tiền mã hoá. Hãy đảm bảo rằng bạn không vi phạm bất kỳ quy tắc nào về thuế hoặc quy định chung.

Tiền mã hóa có thể chết hay không?

Ảnh tiêu đề tiền mã hóa đã chết

Các phương tiện truyền thông đã tuyên bố tiền mã hoá sẽ chết hàng trăm lần trong thập kỷ qua. Tuy nhiên, nó vẫn tiếp tục hoạt động từ năm 2009 đến nay. Điều đó không có nghĩa là nó không dễ bay hơi – có giá dao động dữ dội. Đối với những người chỉ cố gắng thu lợi nhuận, thị trường gấu có thể sớm gây cho họ thất vọng.

Tuy nhiên, sẽ là một sai lầm khi mô tả tiền mã hóa là “đã chết”. Thị trường vẫn tiếp tục thu hút người dùng mới; trong khi công nghệ và cơ sở hạ tầng ngày càng hoàn thiện hơn.

Những đổi mới cốt lõi của Bitcoin và Ethereum chắc chắn sẽ đóng một phần quan trọng trong việc định hình lại các hệ thống tiền tệ hiện có của chúng ta, để phù hợp hơn với thời đại hiện tại. Tính bất biến , khả năng chống kiểm duyệt, không cần niềm tin hoặc các giao dịch gần như tức thời bằng cách sử dụng hệ thống tiền tệ công cộng có thể cải tiến hoàn toàn cơ chế hoạt động kinh tế trên Internet.

Tiền mã hóa có an toàn không?

Có một mức độ rủi ro đối với tiền mã hoá. Nếu bạn quên mật khẩu để truy cập vào tài khoản ngân hàng của mình, bạn chỉ cần đặt lại mật khẩu thông qua bộ phận hỗ trợ khách hàng. Tuy nhiên, nếu bạn quên hoặc mất các khóa riêng tư cho phép bạn truy cập vào tiền mã hóa của mình, thì sẽ không có ai có thể giúp bạn. Sử dụng một sàn giao dịch có uy tín có thể là một lựa chọn dễ dàng hơn – bởi nó đòi hỏi sự tin tưởng, nhưng bạn sẽ loại trừ nguy cơ mất các khóa riêng tư của mình.

Khóa công khai mật mã vẫn chưa bị phá vỡ. Với các biện pháp bảo mật tốt, bạn có nhiều khả năng bị tấn công các tài khoản trực tuyến nào khác hơn là bị đánh cắp tiền. Các biện pháp tốt nhất để phòng tránh những điều này là trau dồi hiểu biết về các trò gian lận phổ biến (tấn công phi kỹ thuật, lừa đảo, v.v.), giữ khóa riêng tư của bạn ngoại tuyến mọi lúc và sao lưu chúng ở một vị trí an toàn.

Tiền mã hoá có khả năng ẩn danh không?

Tên của bạn không được kết nối với địa chỉ tiền mã hoá của bạn – thực tế, thông tin về bạn trông giống như các chuỗi số và chữ cái ngẫu nhiên trên blockchain. Tuy nhiên, hãy cẩn thận khi cho rằng điều này khiến bạn đã được ẩn danh. Bạn có biệt danh – tức một loại danh tính trực tuyến, dù nó không phải là danh tính bạn sử dụng trong cuộc sống thực.

Có một số phương pháp có thể cho phép mọi người liên kết địa chỉ IP với các hoạt động của bạn. Ở khía cạnh này, những thứ như tấn công rải bụi và các kỹ thuật phân tích khác có thể được sử dụng để vô hiệu hóa việc ẩn danh của bạn. Hãy nhớ rằng, các blockchain về cơ bản là cơ sở dữ liệu công cộng khổng lồ. Nếu lo lắng về quyền riêng tư của mình, bạn nên tìm cách để người khác khó có thể liên kết các giao dịch với danh tính của bạn. Theo mặc định, các loại tiền mã hoá như Bitcoin không mặc định là riêng tư, nhưng các phương pháp như trộn tiền và CoinJoins có thể làm cho phân tích Heuristics không còn đáng tin cậy.

Một tập hợp nhỏ của tiền mã hóa (được gọi là đồng tiền riêng tư) có thể làm xáo trộn nguồn, đích và số tiền trong các giao dịch, bằng cách sử dụng các phương pháp như Giao dịch Bí mật . Dĩ nhiên, các phương pháp này tạo ra quyền riêng tư mạnh mẽ hơn, nhưng chúng không hoàn toàn chống lại việc hủy ẩn danh.

Tiền mã hoá có giá trị không?

Về bản chất, giá trị là niềm tin được chia sẻ. Cũng giống như với bất kỳ thứ gì có giá trị, giá trị không được xác định bởi bản thân tiền mã hoá – mà nó được chỉ định bởi mọi người. Nói cách khác, một cái gì đó có giá trị nếu mọi người tin rằng nó có giá trị. Điều này đúng bất kể đối tượng có giá trị nào, dù là kim loại quý, mảnh giấy hay một số bit trong cơ sở dữ liệu.

Với tất cả những gì đã nói, một số người xem tiền mã hóa và Bitcoin như một loại hàng hóa kỹ thuật số khan hiếm. Do tỷ lệ phát hành và chính sách tiền tệ có thể dự đoán được, một số người cho rằng Bitcoin có thể hoạt động như một kho lưu trữ giá trị trong tương lai, tương tự như vàng. Vì Bitcoin chỉ mới tồn tại được hơn một thập kỷ, nên vẫn chưa thể biết liệu nó có chịu được thử thách của thời gian về mặt này hay không.

Tất cả các loại tiền kỹ thuật số có phải là tiền mã hoá?

Không. Bạn có thể đã nghe nói rằng nhiều quốc gia và ngân hàng trung ương đang làm việc để tạo ra các phiên bản tiền kỹ thuật số của riêng họ. Tuy nhiên, đây chỉ là – tiền tệ kỹ thuật số. Trên thực tế, chúng thường được gọi chung là tiền tệ kỹ thuật số của ngân hàng trung ương (CBDC). Về cơ bản, đây là các phiên bản kỹ thuật số của tiền pháp định và chúng không được hưởng hầu hết các lợi ích của tiền mã hoá. Chúng được phát hành và tuyên bố đấu thầu hợp pháp bởi Chính phủ trung ương và thường không sử dụng sổ cái phân tán, chẳng hạn như blockchain, để lưu giữ hồ sơ các giao dịch.

Bạn cũng có thể đã nghe nói về Facebook Libra, một loại tiền tệ kỹ thuật số khác. Về mặt tích cực, Libra được lên kế hoạch để xây dựng trên một hệ thống blockchain mã nguồn mở. Tuy nhiên, không như Bitcoin hoặc Ethereum, những người tham gia sẽ cần nhiều hơn một kết nối Internet đơn giản để sử dụng nó. Hơn nữa, dự án này và các hoạt động trên đó sẽ được điều hành và quản lý bởi một hiệp hội gồm một số thành viên được chọn.

Vì vậy, mặc dù CBDC và các hình thức tiền kỹ thuật số khác sử dụng blockchain hoặc mã hóa, nhưng chúng vẫn hoàn toàn khác với các loại tiền mã hoá như Bitcoin .

Vốn hóa thị trường tiền mã hoá là gì?

Khi bạn đang xem xét giá của một loại tiền mã hóa, bạn chỉ thấy một phần của bức tranh. Một số liệu quan trọng không kém là có bao nhiêu đơn vị riêng lẻ của loại tiền mã hoá này đang tồn tại. Nói cách khác, chính là nguồn cung của nó. 

Cụ thể hơn, để đánh giá giá trị của một mạng lưới tiền mã hoá, bạn cần biết có bao nhiêu đơn vị riêng lẻ của nó đang tồn tại ngay bây giờ . Điều này được gọi là lượng cung lưu hành. Các loại tiền mã hóa khác nhau có thể có các lịch trình phát hành khác nhau, vì vậy điều quan trọng là phải hiểu cách phát hành của từng mạng.

Giá trị vốn hóa thị trường (hay vốn hóa thị trường) là giá của một đơn vị riêng lẻ nhân với lượng cung lưu hành.

Vốn hóa thị trường = Nguồn cung lưu thông * Giá cả

Bạn có thể hiểu, vốn hóa thị trường của mạng lưới tiền mã hoá là sự thể hiện chính xác giá trị trong mạng hơn giá của một đơn vị riêng lẻ. Mạng có đồng tiền giá thấp, nhưng nguồn cung lưu hành cao; có thể có tổng định giá (vốn hóa thị trường) cao hơn mạng có đồng tiền giá cao, nhưng nguồn cung lưu hành thấp hơn. Và điều ngược lại cũng có thể đúng trong một số trường hợp nhất định.

Tuy nhiên, điều đáng chú ý là giá trị vốn hóa thị trường không đại diện cho lượng tiền vào một thị trường cụ thể. Ví dụ, một quan niệm sai lầm phổ biến ở những người dùng mới là họ thường đánh đồng vốn hóa thị trường Bitcoin với tổng số tiền đã được đầu tư vào Bitcoin. Điều này là không đúng vì vốn hóa thị trường phụ thuộc vào giá cả và nguồn cung.

Vì sao bạn cần trả phí giao dịch?

Nếu bạn gửi một bitcoin đến một địa chỉ khác, bạn sẽ nhận thấy rằng địa chỉ đó sẽ nhận được ít tiền hơn một chút so với những gì bạn đã gửi. Đó là bởi vì bạn phải trả một khoản phí nhỏ để thưởng cho những thợ đào đã thêm giao dịch của bạn vào blockchain. 

Nhiều loại tiền mã hoá sử dụng cơ chế tương tự để khuyến khích người dùng bảo mật mạng. Trong hệ thống Bằng chứng Công việc , phí giao dịch thường được đóng gói với các đồng tiền mới được đúc (trợ cấp khối) để tạo thành phần thưởng khối .

Bạn có thể điều chỉnh phí tùy thuộc vào mức độ khẩn cấp của giao dịch của mình. Hầu hết thợ đào muốn có doanh thu cao nhất có thể, vì vậy họ sẽ ưu tiên các giao dịch có phí cao hơn. Bạn có thể xem các giao dịch đang chờ xử lý hiện tại để có ý tưởng về mức phí trung bình và thiết lập mức phí phù hợp cho riêng bạn.

Tôi bị mất khóa. Tôi có thể lấy lại tiền của mình không?

Nếu bạn chắc chắn rằng mình đã bị mất các khóa, rất có thể bạn sẽ không bao giờ lấy lại được tiền của mình. Lợi ích tuyệt vời của tiền mã hoá là loại bỏ những người giám sát và người trung gian khỏi việc quản lý các giao dịch tài chính. Tuy nhiên, mặt trái của điều này là trách nhiệm giữ tiền hoàn toàn nằm trong tay bạn. Vì vậy, bạn cần phải cực kỳ cẩn thận để không làm mất các khóa riêng tư của mình, vì chúng là thứ cấp cho bạn quyền sở hữu tiền. 

Tương lai của tiền mã hoá là gì?

Tương lai của tiền mã hoá như thế nào phụ thuộc hoàn toàn vào người mà bạn hỏi. Một số người tin rằng Bitcoin sẽ vươn lên thay thế vàng trong thời đại kỹ thuật số và phá vỡ hệ thống tài chính hiện tại. Những người khác cho rằng tiền mã hoá sẽ luôn là một hệ thống thứ cấp, tồn tại như một thị trường ngách. Trong cộng đồng, có những người tin rằng Ethereum sẽ trở thành một máy tính phân tán, đóng vai trò là xương sống của một mạng Internet mới.

Những người hoài nghi dự đoán rằng ngành công nghiệp này cuối cùng cũng sẽ sụp đổ, nhưng những người đam mê vẫn hài lòng với tiền mã hoá và các hệ thống tiền tệ thích hợp còn lại. Có rất nhiều kết quả có thể xảy ra – đơn giản là còn quá sớm để nói chắc chắn điều gì sẽ xảy ra, thậm chí dù là thêm một năm nữa. Nhưng chúng ta không thể phủ nhận rằng tiền mã hóa có một tiềm năng phát triển rất lớn.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây