Phân tích Cơ bản (FA) là gì?

0
125

Nội dung

  • Giới thiệu
  • Phân tích cơ bản là gì?
  • Phân tích cơ bản (FA) vs. phân tích kỹ thuật (TA)
  • Các chỉ báo phổ biến trong phân tích cơ bản
    • Thu nhập trên mỗi cổ phiếu (EPS)
    • Tỷ lệ giá trên thu nhập (P/E)
    • Tỷ lệ giá trên giá trị sổ sách (P/B)
    • Tỷ lệ giá/thu nhập so với tăng trưởng (PEG)
  • Phân tích cơ bản và tiền mã hóa
    • Tỷ lệ giá trị mạng lưới trên giao dịch (NVT)
    • Địa chỉ hoạt động
    • Tỷ lệ hòa vốn giữa giá với đào
    • Sách trắng, đội phát triển và lộ trình 
  • Ưu và nhược điểm của phân tích cơ bản
  • Kết luận

Giới thiệu

Khi nói đến giao dịch – cho dù bạn đang giao dịch với các cổ phiếu lâu năm hoặc các đồng tiền mã hóa non trẻ – không có yếu tố khoa học chính xác ở đây. Hoặc, nếu có, những người chơi hàng đầu của Phố Wall chắc chắn giữ công thức này bí mật.

Thay vào đó, những gì chúng ta có là một loạt các công cụ và phương pháp được sử dụng bởi các trader và nhà đầu tư. Trong hầu hết các trường hợp, bạn có thể sắp xếp các kỹ thuật này thành hai loại: phân tích cơ bản (FA) và phân tích kỹ thuật (TA).

Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về phân tích cơ bản.

Phân tích cơ bản là gì?

Phân tích cơ bản là một phương pháp được các nhà đầu tư và trader sử dụng để cố gắng xác lập giá trị nội tại của các tài sản hoặc giao dịch. Để định giá chính xác, họ sẽ nghiên cứu nghiêm ngặt các yếu tố bên trong và bên ngoài để xác định xem tài sản hoặc giao dịch đang quan tâm có được định giá cao hay bị định giá thấp hay không. Các kết luận này sau đó có thể giúp họ xây dựng một chiến lược tốt hơn mà có nhiều khả năng mang lại lợi nhuận tốt.

Ví dụ: nếu bạn quan tâm đến một công ty, trước tiên bạn có thể nghiên cứu những thứ như doanh thu của công ty, bảng cân đối, báo cáo tài chính và dòng tiền để có được cảm nhận về sức khỏe tài chính của công ty. Sau đó, bạn có thể tìm hiểu sâu vào tổ chức của công ty để xem xét thị trường hoặc lĩnh vực mà nó đang hoạt động. Ai là đối thủ cạnh tranh? Công ty đang nhắm mục tiêu đến các nhóm nhân khẩu học nào? Có phải công ty đang mở rộng phạm vi hoạt động? Bạn có thể đi sâu hơn nữa để cân nhắc các yếu tố kinh tế như lãi suất và lạm phát, để nêu ra một vài yếu tố.

Trên đây là những gì được gọi là phương pháp tiếp cận từ dưới lên: bạn bắt đầu với một công ty mà bạn quan tâm và làm việc theo cách của bạn để hiểu vị trí của nó trong nền kinh tế rộng lớn hơn. Nhưng bạn cũng có thể áp dụng phương pháp tiếp cận từ trên xuống, trong đó bạn thu gọn các lựa chọn của mình bằng cách xem xét trước tiên bức tranh tổng thể.

Mục tiêu cuối cùng với loại phân tích này là tạo ra một mức giá cổ phiếu dự kiến và so sánh nó với giá hiện tại. Nếu nó cao hơn giá hiện tại, bạn có thể kết luận rằng nó bị định giá thấp. Nếu nó thấp hơn giá thị trường, thì bạn có thể cho rằng nó hiện được định giá quá cao. Với dữ liệu từ phân tích của mình, bạn có thể đưa ra các quyết định sáng suốt về việc nên mua hay bán cổ phiếu của công ty đó.

Phân tích cơ bản (FA) vs. phân tích kỹ thuật (TA)

Các trader và nhà đầu tư mới tham gia vào các thị trường tiền mã hóa, ngoại hối, hoặc chứng khoán hoặc thường bị rối khi chọn phương thức tiếp cận. Phân tích cơ bản và phân tích kỹ thuật hoàn toàn trái ngược và dựa vào các phương pháp luận khác nhau đáng kể để phân tích những thứ khác nhau. Tuy nhiên, cả hai đều cung cấp dữ liệu liên quan đến giao dịch. Vậy cái nào là tốt nhất?

Trong thực tế, việc đặt câu hỏi mỗi cái mang lại điều gì có thể có ý nghĩa hơn. Về bản chất, các nhà phân tích theo phương pháp phân tích cơ bản tin rằng giá cổ phiếu không nhất thiết chỉ ra giá trị thực của cổ phiếu – một tư tưởng làm nền tảng cho các quyết định đầu tư của họ. 

Ngược lại, các nhà phân tích theo phương pháp phân tích kỹ thuật tin rằng động thái giá trong tương lai có thể được dự đoán phần nào từ dữ liệu hành động giá và dữ liệu khối lượng giao dịch trong quá khứ. Họ không quan tâm đến việc nghiên cứu các yếu tố bên ngoài, thay vào đó, họ thích tập trung vào các biểu đồ giá, mô hình và xu hướng trên thị trường. Họ nhắm vào việc xác định các điểm lý tưởng để vào và thoát các vị thế.

Những người ủng hộ giả thuyết thị trường hiệu quả (EMH) tin rằng không thể kiếm lợi nhuận từ thị trường với phân tích kỹ thuật (TA). Lý thuyết cho rằng các thị trường tài chính đại diện cho tất cả các thông tin đã biết về tài sản (rằng chúng là “hợp lý”) và rằng chúng đã tính đến dữ liệu lịch sử. Các phiên bản “yếu hơn” của EMH không làm cho phân tích cơ bản bị mất tín nhiệm, nhưng các phiên bản “mạnh hơn” cho rằng không thể, ngay cả khi đã thực hiện nghiên cứu nghiêm ngặt, giúp trader có được lợi thế cạnh tranh.

Có thể hiểu là, về khách quan, không có chiến lược nào là tốt hơn cái kia trong cặp này, vì cả hai đều có thể cho những tri kiến có giá trị trong các lĩnh vực khác nhau. Một số người có thể hoạt động tốt hơn với một số phong cách giao dịch nhất định và, trên thực tế, nhiều trader sử dụng kết hợp cả hai để quan sát bức tranh tổng thể. Phân tích kỹ thuật dành cho các giao dịch ngắn hạn trong khi phân tích cơ bản dành cho đầu tư dài hạn.

Các chỉ báo phổ biến trong phân tích cơ bản

Chúng ta không tìm đến nến, MACD, hoặc RSI để tìm hiểu về phân tích cơ bản – có một số chỉ báo dành riêng cho FA được sử dụng thay thế. Trong phần này, chúng ta sẽ thảo luận một số loại phổ biến nhất.

Thu nhập trên mỗi cổ phiếu (EPS)

Thu nhập trên mỗi cổ phiếu là một thước đo được thiết lập về khả năng sinh lời của công ty, cho chúng ta biết mức lợi nhuận mà nó tạo ra cho mỗi cổ phiếu đang lưu hành. Nó được tính theo công thức sau:

(thu nhập ròng – cổ tức ưu đãi) / số cổ phiếu

Giả sử rằng một công ty không trả cổ tức, và lợi nhuận của công ty là $1 triệu. Với 200.000 cổ phiếu được phát hành, công thức trả cho chúng ta một EPS là $5. Việc tính toán không phải là một cái quá phức tạp, nhưng nó có thể cung cấp cho chúng ta một số tri kiến về các khoản đầu tư tiềm năng. Các doanh nghiệp có EPS cao hơn (hoặc đang tăng) thường hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư.

Thu nhập bị pha loãng trên mỗi cổ phiếu được một số người ưa thích, vì nó cũng tính đến các yếu tố có thể làm tăng tổng số cổ phiếu. Trong trường hợp các lựa chọn cổ phiếu, ví dụ, các nhân viên được cho tùy chọn mua cổ phiếu của công ty. Bởi vì điều này nhìn chung dẫn đến số lượng cổ phiếu cao hơn để phân chia thu nhập ròng, chúng ta sẽ thấy giá trị EPS bị pha loãng là thấp hơn so với EPS đơn giản.

Như với tất cả các chỉ số, thu nhập trên mỗi cổ phiếu không nên là số liệu duy nhất được sử dụng để định giá một khoản đầu tư tiềm năng. Vậy nên mới nói rằng nó là một công cụ tiện dụng khi được sử dụng cùng với những công cụ khác.

Tỷ lệ giá trên thu nhập (P/E)

Tỉ lệ giá trên thu nhập (hoặc đơn giản là tỷ lệ P/E) định giá một doanh nghiệp bằng cách so sánh giá cổ phiếu với EPS của nó. Nó được tính theo công thức sau:

giá cổ phiếu / thu nhập trên mỗi cổ phiếu

Hãy sử dụng lại cùng một công ty từ ví dụ trước với EPS là $5. Giả sử mỗi cổ phiếu giao dịch ở mức $10, chúng ta sẽ có tỷ lệ P/E là 2. Điều đó có nghĩa là gì? À, nó phụ thuộc phần lớn vào những gì phần còn lại của nghiên cứu của chúng ta cho hay. 

Nhiều người sử dụng tỷ lệ lợi nhuận trên thu nhập để xác định xem một cổ phiếu có được định giá quá cao hay không (nếu tỷ lệ này cao hơn) hoặc bị định giá thấp (nếu tỷ lệ này thấp hơn). Việc xem xét con số giá cổ phiếu dự kiến bằng cách so sánh nó với tỷ lệ P/E của các doanh nghiệp tương tự là một ý tưởng tốt. Nhắc lại một lần nữa, quy tắc này không phải lúc nào cũng đúng, vì vậy nó được sử dụng tốt nhất cùng với các kỹ thuật phân tích định lượng và định tính khác.

Tỷ lệ giá trên giá trị sổ sách (P/B)

Tỉ lệ giá trên sổ sách (còn được gọi là tỷ lệ giá trên vốn chủ sở hữu hoặc tỷ lệ P/B) có thể cho chúng ta biết về cách các nhà đầu tư định giá công ty liên quan đến giá trị sổ sách của nó. Giá trị sổ sách là giá trị của doanh nghiệp như được xác định trong báo cáo tài chính (thông thường, tài sản trừ đi nợ phải trả). Tính toán sẽ như sau:

giá mỗi cổ phiếu / giá trị sổ sách trên mỗi cổ phiếu

Hãy một lần nữa xem xét lại công ty của chúng ta từ các ví dụ trước. Chúng ta sẽ cho rằng nó có giá trị sổ sách là $500.000. Mỗi cổ phiếu giao dịch ở mức $10, và có 200.000 cổ phiếu. Do đó, giá trị sổ sách của chúng ta sẽ là $500.000 chia cho $200.000, chúng ta có kết quả là $2,5. 

Đưa các con số vào công thức, $10 chia cho $2,5, chúng ta có tỷ lệ giá trên sổ sách là 4. Nhìn bề ngoài, điều này có vẻ không tốt lắm. Nó cho chúng ta biết rằng các cổ phiếu hiện đang giao dịch gấp bốn lần giá trị công ty thực có trên giấy tờ. Nó có thể gợi ý rằng thị trường đang định giá quá cao doanh nghiệp, có lẽ do công ty được kỳ vọng tăng trưởng mạnh. Nếu chúng ta có tỷ lệ nhỏ hơn 1, điều đó chỉ ra rằng doanh nghiệp có nhiều giá trị hơn mức định giá được thị trường công nhận hiện tại.

Một hạn chế của tỷ lệ giá trên sổ sách là nó phù hợp hơn cho việc đánh giá các doanh nghiệp “nặng về tài sản”. Các công ty có ít tài sản vật chất không được biểu diễn tốt.

Tỷ lệ giá/thu nhập so với tăng trưởng (PEG)

Tỉ lệ giá/thu nhập so với tăng trưởng (PEG) là một phần mở rộng của tỷ lệ lợi nhuận trên thu nhập nhằm suy xét đến tỷ lệ tăng trưởng. Nó sử dụng công thức sau:

tỷ lệ giá trên thu nhập / tốc độ tăng trưởng thu nhập

Tốc độ tăng trưởng thu nhập là một ước tính về tăng trưởng thu nhập được dự đoán của công ty trong một khung thời gian đã đặt. Chúng ta thể hiện nó như là một tỷ lệ phần trăm. Giả sử rằng chúng ta ước tính tăng trưởng trung bình 10% trong năm năm tới cho công ty như nêu trên. Chúng tôi lấy tỷ lệ giá trên thu nhập (2) chia cho 10 để được tỷ lệ 0,2.

Tỷ lệ đó gợi ý rằng công ty là một khoản đầu tư tốt vì nó bị định giá thấp khi chúng ta tính đến sự tăng trưởng trong tương lai của nó. Bất kỳ doanh nghiệp nào có tỷ lệ dưới 1, nói chung, đều bị định giá thấp. Bất kỳ doanh nghiệp có tỉ lệ cao hơn 1 có thể bị định giá quá cao.

Tỷ lệ PEG được ưa chuộng hơn nhiều so với P/E, vì nó xem xét một biến khá quan trọng mà P/E bỏ qua.

➟ Bạn đang muốn bắt đầu cùng tiền mã hóa? Mua ngay Bitcoin tại Binance!

Phân tích cơ bản và tiền mã hóa

Các số liệu nói trên không thực sự có thể áp dụng trong tiền mã hóa. Thay vào đó, bạn có thể tìm đến các yếu tố khác để đánh giá tính khả thi của dự án. Trong phần sau đây là một số chỉ báo được sử dụng bởi các trader tiền mã hóa.

Tỷ lệ giá trị mạng lưới trên giao dịch (NVT)

Thường được coi như là tỉ lệ P/E của thị trường tiền mã hóa, tỷ lệ NVT nhanh chóng trở thành một yếu tố chính trong FA cho tiền mã hóa. Nó có thể được tính như sau:

giá trị mạng lưới / khối lượng giao dịch hàng ngày

NVT cố gắng diễn giải giá trị của một mạng lưới nhất định dựa trên giá trị của các giao dịch mà nó xử lý. Giả sử bạn có hai dự án: Coin A và Coin B. Cả hai đều có vốn hóa thị trường là $1.000.000. Tuy nhiên, Coin A có khối lượng giao dịch hàng ngày trị giá $50.000, trong khi Coin B là $10.000.

Tỷ lệ NVT cho Coin A là 20 và NVT cho Coin B là 100. Nói chung, các tài sản có tỷ lệ NVT thấp hơn được coi là bị định giá thấp, trong khi những tài sản có tỷ lệ NVT cao hơn có thể được coi là được định giá cao. Nếu chỉ xem xét dựa trên tỉ lệ này thì nó cho thấy Coin A bị định giá thấp hơn so với Coin B.

Địa chỉ hoạt động

Một số người nhìn vào số lượng địa chỉ hoạt động trên một mạng lưới để đánh giá mức độ sử dụng của nó. Mặc dù không đáng tin cậy như một chỉ báo độc lập (có thể bị dàn xếp), nó vẫn có thể tiết lộ thông tin về hoạt động của mạng lưới. Bạn có thể đưa nó vào trong việc định giá giá trị thực của một tài sản kỹ thuật số nhất định.

Tỷ lệ hòa vốn giữa giá với đào

Tỉ lệ hòa vốn giữa giá với đào là một số liệu để định giá các coin Proof of Work, được đào bởi những người tham gia mạng. Nó tính đến các chi phí liên quan đến quá trình này: cụ thể là chi phí điện và phần cứng.

Giá thị trường coin / chi phí để đào một coin

Tỷ lệ hòa vốn giữa giá với với đào có thể tiết lộ rất nhiều về tình trạng hiện tại của mạng blockchain. Hòa vốn liên quan đến chi phí đào một coin – ví dụ: nếu ở mức $10.000, thì các thợ đào thường chi $10.000 để tạo ra một đơn vị mới.

Giả sử rằng Coin A giao dịch ở mức $5.000 và Coin B ở mức $20.000, và cả hai đều có điểm hòa vốn là $10.000. Tỷ lệ của Coin A sẽ là 0,5, trong khi Coin B sẽ là 2. Vì tỷ lệ của Coin A nhỏ hơn 1, nó cho chúng ta biết rằng các thợ đào đang thua lỗ trong việc đào coin này. Hoạt động đào của Coin B có lợi nhuận vì với mỗi $10.000 chi tiêu cho đào, bạn sẽ kiếm được $20.000.

Do sự tác động của khích lệ tài chính, bạn có thể dự đoán rằng tỷ lệ sẽ có xu hướng đi về con số 1 theo thời gian. Đối với Coin A, các thợ đào thua lỗ có khả năng sẽ rời khỏi mạng trừ khi giá tăng. Coin B có phần thưởng hấp dẫn nên sẽ có thêm nhiều thợ đào tham gia vào để kiếm lợi nhuận cho đến khi nó không còn sinh lãi.

Hiệu quả của chỉ số này là vấn đề tranh cãi. Tuy nhiên, nó cho bạn một ý tưởng về nền kinh tế đào coin mà bạn có thể đưa vào đánh giá tổng thể của mình cho một tài sản kỹ thuật số.

Sách trắng, đội phát triển và lộ trình

Việc tìm hiểu về dự án là phương pháp phổ biến nhất để thiết lập giá trị của các tiền mã hóa và các token. Đọc sách trắng, bạn có thể hiểu các mục tiêu của dự án, các trường hợp ứng dụng và công nghệ của nó. Tìm hiểu hồ sơ của các thành viên đội phát triển cho bạn ý tưởng về khả năng phát triển và mở rộng quy mô sản phẩm của họ. Cuối cùng, tìm hiểu lộ trình cho bạn biết dự án có đang đi đúng hướng hay không. Ngoài ra là nghiên cứu bổ sung để xác định khả năng dự án sẽ đạt được các mốc quan trọng.

Ưu và nhược điểm của phân tích cơ bản

Ưu điểm của phân tích cơ bản

Phân tích cơ bản là một phương pháp luận mạnh mẽ để đánh giá các doanh nghiệp theo cách mà phân tích kỹ thuật đơn giản là không thể sánh được. Đối với các nhà đầu tư trên toàn thế giới, việc nghiên cứu một loạt các yếu tố định tính và định lượng là điểm khởi đầu quan trọng cho bất kỳ giao dịch nào.

Bất cứ ai cũng có thể tiến hành phân tích cơ bản vì nó dựa trên các kỹ thuật đã được thử-kiểm và các dữ liệu kinh doanh có sẵn. Hoặc ít nhất, nó là công cụ dùng trong các thị trường truyền thống. Thực tế, nếu chúng ta nhìn vào tiền mã hóa (vẫn còn là một ngành công nghiệp nhỏ), dữ liệu không phải lúc nào cũng có sẵn, và mối tương quan chặt giữa các tài sản, chúng ta sẽ thấy rằng FA có thể là không hiệu quả.

Nếu được thực hiện chính xác, nó cung cấp một nền tảng để xác định các cổ phiếu hiện đang bị định giá thấp và cao để có thể đánh giá đúng giá trị của chúng theo thời gian. Theo các nhà đầu tư hàng đầu như Warren Buffett và Benjamin Graham, việc nghiên cứu nghiêm ngặt các doanh nghiệp theo cách này có thể mang lại các kết quả to lớn.

Nhược điểm của phân tích cơ bản

Dễ dàng thực hiện phân tích cơ bản, nhưng khó để làm phân tích cơ bản tốt. Việc xác định “giá trị nội tại” của một cổ phiếu là một quá trình tốn nhiều thời gian, đòi hỏi nhiều công sức hơn là việc chỉ đưa các con số vào một công thức. Nhiều yếu tố cần được đánh giá, và đường cong học tập để thực hiện phân tích cơ bản một cách hiệu quả có thể là đường dốc. Hơn nữa, nó phù hợp hơn với các giao dịch dài hạn hơn các giao dịch ngắn hạn.

Ngoài ra, loại phân tích này bỏ qua các lực lượng và xu hướng thị trường mạnh mẽ mà phân tích kỹ thuật có thể xác định. Như nhà kinh tế học John Maynard Keynes từng nói: 

Thị trường có thể trong tình trạng bất hợp lý lâu hơn thời gian bạn có thể duy trì khả năng thanh toán.

Các cổ phiếu bị định giá thấp (theo mọi số liệu) không được đảm bảo rằng sẽ tăng giá trị trong tương lai.

Kết luận

Phân tích cơ bản được tin tưởng bởi một số trader thành công nhất. Bằng cách chỉnh lại chiến lược, các nhà đầu tư có thể không chỉ học cách để ước lượng tốt hơn giá trị thực của các cổ phiếu, tiền mã hóa, và các tài sản khác mà còn nắm bắt được các doanh nghiệp và các ngành công nghiệp tốt hơn trên tổng thể.

Kết hợp với phân tích kỹ thuật, phân tích cơ bản có thể giúp các trader và nhà đầu tư hiểu rõ về các tài sản và các doanh nghiệp mà họ có thể thu lợi từ đó. Sự kết hợp giữa FA và TA được nhiều người ưa chuộng trong cả thị trường truyền thống và thị trường tiền mã hóa.

Do thị trường tiền mã hóa còn mới, bạn nên hiểu rằng FA có thể không hiệu quả. Hãy luôn luôn Tự mình nghiên cứu và đảm bảo rằng bạn có một chiếc lược quản lý rủi ro vững chắc.

➟ Bạn có câu hỏi về Phân tích Cơ bản? Hãy vào Ask Academy để thảo luận với cộng đồng!

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây