Hướng dẫn về quản lý rủi ro dành cho người bắt đầu

0
133

Nội dung

  • Quản lý rủi ro là gì?
  • Quản lý rủi ro hoạt động như thế nào?
    • Đặt mục tiêu
    • Xác định rủi ro
    • Đánh giá rủi ro
    • Xác định cách thức ứng phó
    • Giám sát hiệu quả ứng phó
  • Quản lý rủi ro tài chính
  • Kết luận

Quản lý rủi ro là gì?

Trong cuộc sống, chúng ta luôn quản lý rủi ro, cho dù trong các công việc đơn giản (như lái xe) hay bằng cách mua các gói bảo hiểm hay chăm sóc y tế. Về bản chất, quản lý rủi ro bao gồm các việc đánh giá và ứng phó với rủi ro.

Hầu hết chúng ta quản lý rủi ro một cách vô thức trong các hoạt động hàng ngày. Nhưng trong thị trường tài chính và quản trị kinh doanh, đánh giá rủi ro là một hoạt động quan trọng và có ý thức.

Trong kinh tế học, chúng ta có thể mô tả quản lý rủi ro như một mô hình mà công ty hoặc nhà đầu tư nào đó xử lý các rủi ro tài chính, đây là quy trình cố hữu của tất cả các loại doanh nghiệp.

Đối với các nhà giao dịch và nhà đầu tư, mô hình này có thể bao gồm việc quản lý nhiều loại tài sản khác nhau, chẳng hạn như tiền điện tử, ngoại hối, các hàng hóa, cổ phiếu, chỉ số, và bất động sản.

Có nhiều loại rủi ro tài chính, có thể được phân loại theo nhiều cách khác nhau. Bài viết này cung cấp một cái nhìn tổng quan về quy trình quản lý rủi ro. Bài viết cũng trình bày một số chiến lược để giúp các nhà giao dịch và nhà đầu tư giảm thiểu rủi ro tài chính.

Quản lý rủi ro hoạt động như thế nào?

Quy trình quản lý rủi ro thường bao gồm năm bước: thiết lập mục tiêu, xác định rủi ro, đánh giá rủi ro, xác định cách thức ứng phó và giám sát. Tuy nhiên, tùy thuộc vào bối cảnh, các bước này có thể thay đổi.

Đặt mục tiêu

Bước đầu tiên là xác định mục tiêu chính của công ty. Nó thường liên quan đến khả năng chịu rủi ro của công ty hoặc cá nhân, hay chính là công ty hoặc cá nhân đó sẵn sàng chịu rủi ro đến mức độ nào để đạt được mục tiêu của mình.

Xác định rủi ro

Bước thứ hai bao gồm phát hiện và xác định những rủi ro tiềm ẩn. Bước này nhằm mục đích xác định tất cả các loại sự kiện có thể gây ra các hiệu ứng tiêu cực. Trong môi trường kinh doanh, bước này cũng có thể đem đến những thông tin sâu sắc không liên quan trực tiếp đến rủi ro tài chính.

Đánh giá rủi ro

Sau khi xác định các rủi ro, bước tiếp theo là đánh giá tần suất và mức độ nghiêm trọng dự kiến của các rủi ro đó. Các rủi ro này sau đó được xếp hạng theo tầm quan trọng của chúng, trên cơ sở đó mà công ty hoặc cá nhân có thể đưa ra hoặc áp dụng một biện pháp ứng phó thích hợp.

Xác định cách thức ứng phó

Bước thứ tư bao gồm xác định cách thức ứng phó cho từng loại rủi ro theo tầm quan trọng của chúng. Bước này thiết lập hành động cần thực hiện trong trường hợp xảy ra sự kiện bất lợi.

Giám sát hiệu quả ứng phó

Bước cuối cùng của chiến lược quản lý rủi ro là giám sát hiệu quả các phương thức được sử dụng để ứng phó với các sự kiện. Điều này thường đòi hỏi việc thu thập và phân tích dữ liệu liên tục.

Quản lý rủi ro tài chính

Có một số lý do tại sao một chiến lược hoặc thiết lập giao dịch có thể không thành công. Ví dụ, một nhà giao dịch có thể mất tiền vì thị trường di chuyển theo hướng ngược lại so với vị thế hợp đồng tương lai của họ hoặc vì họ bị cảm xúc chi phối và cuối cùng bán hết vì hoảng loạn.

Các phản ứng cảm xúc thường khiến các nhà giao dịch bỏ qua hoặc từ bỏ chiến lược ban đầu của họ. Điều này đặc biệt đáng chú ý khi thị trường giảm giá liên tục, được gọi là bear markets và những giai đoạn đầu hàng.

Trong thị trường tài chính, hầu hết mọi người đều đồng ý rằng việc có một chiến lược quản lý rủi ro phù hợp sẽ góp phần lớn vào thành công của họ. Trong thực tế, điều này có thể đơn giản như thiết lập các lệnh  Dừng lỗ (Stop-Loss) hoặc Chốt lời (Take-Profit).

Một chiến lược giao dịch hiệu quả cần cung cấp rõ ràng các hành động có thể thực hiện, điều này có nghĩa là các nhà giao dịch có thể sẵn sàng đối phó với tất cả các tình huống. Tuy nhiên, như đã đề cập, có rất nhiều cách để quản lý rủi ro. Các chiến lược ứng phó với rủi ro nên được sửa đổi và điều chỉnh liên tục.

Dưới đây là một vài ví dụ về rủi ro tài chính, cùng với mô tả ngắn về cách mọi người có thể giảm thiểu chúng.

  • Rủi ro thị trường: Có thể giảm thiểu bằng cách đặt lệnh Cắt lỗ trên mỗi giao dịch để tự động đóng các vị thế trước khi phát sinh khoản lỗ lớn hơn.
  • Rủi ro thanh khoản: Có thể giảm thiểu bằng cách giao dịch trên các thị trường có khối lượng lớn. Các tài sản có giá trị vốn hóa thị trường cao thường có xu hướng có tính thanh khoản cao hơn.
  • Rủi ro tín dụng: Có thể giảm rủi ro tín dụng bằng cách giao dịch thông qua một sàn giao dịch đáng tin cậy để cả người vay và người cho vay (hoặc người mua và người bán) có thể giao dịch mà không cần phải tin tưởng lẫn nhau.
  • Rủi ro vận hành:  Nhà đầu tư có thể giảm thiểu rủi ro vận hành bằng cách đa dạng hóa danh mục đầu tư của họ, ngăn chặn việc chỉ tiếp xúc với một dự án hoặc công ty duy nhất. Họ cũng có thể thực hiện một số nghiên cứu để tìm ra các công ty có ít khả năng gặp sự cố vận hành.
  • Rủi ro hệ thống:  Cũng có thể được giảm bằng cách đa dạng hóa danh mục đầu tư. Nhưng trong trường hợp này, nên đa dạng hóa bằng cách bao gồm các dự án với các đề xuất hoặc công ty riêng biệt từ các ngành công nghiệp khác nhau. Tốt nhất là nên chọn các dự án hoặc đề xuất có mức độ liên quan rất thấp.

Kết luận

Trước khi mở một vị thế giao dịch hoặc phân bổ vốn cho một danh mục đầu tư, các nhà giao dịch và nhà đầu tư nên xem xét việc tạo ra một chiến lược quản lý rủi ro. Tuy nhiên, điều quan trọng cần nhớ là rủi ro tài chính không thể tránh khỏi hoàn toàn.

Nhìn chung, quản lý rủi ro xác định cách thức ứng phó với rủi ro, nhưng chắc chắn không chỉ để giảm thiểu rủi ro. Việc quản lý rủi ro cũng bao gồm tư duy chiến lược để những rủi ro không thể tránh khỏi có thể được xử lý theo cách hiệu quả nhất có thể.

Nói cách khác, quản lý rủi ro cũng chính là việc xác định, đánh giá và giám sát rủi ro, tùy thuộc vào bối cảnh và chiến lược. Mục tiêu của quá trình quản lý rủi ro là để đánh giá tỷ lệ rủi ro/phần thưởng để ưu tiên các vị trí thế giao dịch có lợi nhất.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây