Tóm lược
DeFi 2.0 là tập hợp các dự án nhằm cải thiện các vấn đề của DeFi 1.0. Mục đích của DeFi là mang tài chính đến với đại chúng. Tuy nhiên, mô hình này đã gặp những khó khăn về khả năng mở rộng, bảo mật, tập trung, thanh khoản và khả năng tiếp cận thông tin. DeFi 2.0 muốn cải thiện những điều này và làm cho trải nghiệm người dùng thân thiện hơn. Nếu thành công, DeFi 2.0 có thể giúp giảm thiểu rủi ro và rào cản tới những người dùng muốn sử dụng nó.
Ngày nay, chúng ta đã có nhiều trường hợp sử dụng DeFi 2.0. Một số nền tảng cho phép bạn sử dụng token LP của mình và token LP khai thác lợi suất làm tài sản thế chấp cho các khoản vay. Cơ chế này cho phép bạn mở khóa giá trị của token trong khi vẫn kiếm được từ các bể phần thưởng.
Bạn cũng có thể thực hiện các khoản vay tự trả trong đó tài sản thế chấp của bạn có thể tự tạo ra lãi suất. Khoản lãi sẽ được dùng để trả hết khoản vay và người đi vay không phải trả lãi. Các trường hợp sử dụng khác bao gồm bảo hiểm khi hợp đồng thông minh bị hack và các khoản lỗ tạm thời (Impermanent Loss).
Một xu hướng đang phát triển trong DeFi 2.0 là quản trị và phân quyền bằng các DAO. Tuy nhiên, các chính phủ và cơ quan quản lý vẫn đóng vai trò quyết định để các dự án DeFi có thể hoạt động. Hãy ghi nhớ điều này khi đầu tư, vì các dịch vụ được cung cấp có thể sẽ phải thay đổi.
Giới thiệu
Đã gần hai năm kể từ khi DeFi (Tài chính phi tập trung) trở thành hiện tượng vào năm 2020. Kể từ đó, chúng ta đã có những dự án DeFi cực kỳ thành công như UniSwap – một dự án giúp phi tập trung giao dịch và tài chính, cũng như những cách mới để tạo ra lãi suất trong thế giới tiền mã hóa. Nhưng cũng giống như Bitcoin (BTC), vẫn có những vấn đề cần giải quyết trong một lĩnh vực mới như vậy. Như một điều tự nhiên, thuật ngữ DeFi 2.0 đã được tạo ra để mô tả một thế hệ các ứng dụng phi tập trung DeFi (các DApp) mới.
Tính đến tháng 12 năm 2021, chúng ta vẫn đang chờ đợi các dự án DeFi 2.0, nhưng chúng ta đã có thể thấy sự khởi đầu của nó. Bài viết này sẽ cho chúng ta hiểu tại sao DeFi 2.0 lại cần thiết, và nó giải quyết các vấn đề còn tồn đọng gì trong hệ sinh thái DeFi hiện có.
DeFi 2.0 là gì?
DeFi 2.0 là một phong trào cố gắng nâng cấp và khắc phục các sự cố tìm thấy được trong làn sóng DeFi ban đầu. DeFi từng là một cách mạng trong việc cung cấp các dịch vụ tài chính phi tập trung cho bất kỳ ai có ví tiền mã hóa, tuy nhiên nó vẫn có những điểm yếu. Tiền mã hóa đã chứng kiến quá trình tương tự với sự ra đời của blockchain thế hệ thứ hai như Ethereum (ETH) sau khi nó cố cải thiện blockchain Bitcoin. DeFi 2.0 cũng sẽ cần phản ứng với các quy định mới mà các chính phủ định đưa ra, chẳng hạn như KYC và AML.
Hãy xem xét một ví dụ. Các bể thanh khoản (LP) đã rất thành công trong DeFi, vì nó cho phép các nhà cung cấp thanh khoản kiếm được phí thông qua việc stake các token. Tuy nhiên, nếu tỷ lệ giá của các token thay đổi, các nhà cung cấp thanh khoản có nguy cơ mất tiền (lỗ tạm thời). Giao thức DeFi 2.0 có thể cung cấp bảo hiểm chống lại điều này với một khoản phí nhỏ. Giải pháp này sẽ cung cấp động lực lớn hơn để người dùng đầu tư vào LP và nó cũng mang lại lợi ích cho người dùng, những người stake và lĩnh vực DeFi nói chung.
Đâu là những hạn chế của DeFi?
Trước khi đi sâu hơn vào các trường hợp sử dụng của DeFi 2.0, hãy cùng khám phá các vấn đề mà nó đang cố gắng giải quyết. Nhiều vấn đề cơ bản của DeFi tương tự như các vấn đề mà công nghệ blockchain và tiền mã hóa nói chung phải đối mặt:
1. Khả năng mở rộng: Các giao thức DeFi trên các blockchain có lưu lượng truy cập và phí gas cao thường cung cấp dịch vụ chậm và đắt đỏ. Các tác vụ đơn giản có thể mất khá nhiều thời gian và không hiệu quả về mặt chi phí.
2. Các Oracle và thông tin của bên thứ ba : Các sản phẩm tài chính phụ thuộc vào các thông tin bên ngoài từ oracle chất lượng cao (nguồn dữ liệu bên thứ ba).
3. Tập trung hóa : Phi tập trung hơn luôn là một mục tiêu trong DeFi. Tuy nhiên, nhiều dự án vẫn không áp dụng các nguyên tắc của DAO.
4. Bảo mật: Hầu hết người dùng không quản lý hoặc không hiểu những rủi ro có trong DeFi. Họ stake hàng triệu USD vào các hợp đồng thông minh mà không hoàn toàn biết là an toàn hay không. Mặc dù có các cuộc kiểm tra bảo mật được thực hiện, nhưng chúng sẽ giảm giá trị khi các bản cập nhật được diễn ra.
5. Tính thanh khoản: Thị trường và các bể thanh khoản trải rộng trên các blockchain và trên các nền tảng khác nhau, làm phân tách tính thanh khoản. Việc cung cấp tính thanh khoản cũng vô hình khóa các quỹ và tổng giá trị của chúng. Trong hầu hết các trường hợp, các token được stake trong các bể thanh khoản không thể được sử dụng ở những nơi khác, khiến cho việc sử dụng vốn kém hiệu quả.
Tại sao DeFi 2.0 lại quan trọng?
Ngay cả đối với những HODLer và người dùng tiền mã hóa có kinh nghiệm, DeFi vẫn là điều gì rất khó hiểu. Tuy nhiên, mục đích của DeFi là giảm bớt các rào cản gia nhập và tạo ra các cơ hội kiếm tiền mới cho những người nắm giữ tiền mã hóa. Những người dùng có thể không nhận được khoản vay với một ngân hàng truyền thống có thể thực hiện điều này với DeFi.
DeFi 2.0 quan trọng vì nó có thể dân chủ hóa tài chính mà không gây ra rủi ro. DeFi 2.0 đang cố gắng giải quyết các vấn đề đã đề cập trong phần trước và cải thiện trải nghiệm của người dùng. Nếu chúng ta có thể làm điều này và cung cấp các ưu đãi tốt hơn, thì mọi người trong thị trường đều được hưởng lợi.
Các trường hợp sử dụng của DeFi 2.0
Chúng ta không phải đợi các trường hợp sử dụng của DeFi 2.0. Đã có các dự án cung cấp dịch vụ DeFi mới trên nhiều mạng, bao gồm Ethereum, Binance Smart Chain , Solana và các blockchain có hỗ trợ hợp đồng thông minh khác. Dưới đây, chúng ta sẽ xem xét một số trường hợp phổ biến nhất:
Mở khóa giá trị của các khoản tiền đã được stake
Nếu bạn đã từng stake một cặp token trong một bể thanh khoản, bạn sẽ nhận lại được token LP. Với DeFi 1.0, bạn có thể stake LP trong một nơi khai thác lợi suất để cộng gộp lợi nhuận của mình. Trước khi có DeFi 2.0, đây là cách mà chuỗi trích xuất giá trị. Hàng triệu USD bị khóa trong các hầm cung cấp thanh khoản, mở ra cơ hội cho các ý tưởng cải hiện hiệu quả sử dụng vốn.
DeFi 2.0 đã tiến thêm một bước nữa, sử dụng các token LP của các nơi khai thác lợi suất làm tài sản thế chấp. Nó có thể thế chấp cho một khoản vay tiền mã hóa từ một giao thức cho vay hoặc để đúc các token trong một quy trình tương tự như MakerDAO (DAI). Mỗi dự án có một cơ chế chi tiết khác nhau, nhưng ý tưởng chung là các token LP được mở khóa giá trị cho những cơ hội mới trong khi vẫn tạo ra APY.
Bảo hiểm hợp đồng thông minh
Thực hiện thẩm định nâng cao về các hợp đồng thông minh là rất khó trừ khi bạn là một nhà phát triển có kinh nghiệm. Nếu không có kiến thức này, bạn chỉ có thể đánh giá một phần của dự án. Điều này tạo ra rủi ro khá lớn khi đầu tư vào các dự án DeFi. Với DeFi 2.0, bạn có thể mua bảo hiểm DeFi trên các hợp đồng thông minh cụ thể.
Hãy tưởng tượng bạn đang sử dụng một công cụ để tối ưu hóa lợi nhuận và bạn đã stake các token LP trong hợp đồng thông minh của nó. Nếu hợp đồng thông minh bị hack, tất cả các khoản tiền gửi của bạn có thể bị mất. Một dự án bảo hiểm có thể cung cấp một khoản đảm bảo cho khoản tiền gửi của bạn bằng trang trại năng suất (yield farm) với một khoản phí. Lưu ý, điều này sẽ chỉ dành cho một hợp đồng thông minh cụ thể. Thông thường, bạn sẽ không nhận được khoản thanh toán nếu hợp đồng bể thanh khoản bị xâm phạm. Tuy nhiên, nếu hợp đồngkhai thác lợi suất bị xâm phạm nhưng được bảo hiểm, thiệt hại của bạn có thể sẽ được bù đắp.
Bảo hiểm lỗ tạm thời
Nếu bạn đầu tư vào một bể thanh khoản và bắt đầu khai thác, bất kỳ thay đổi nào về tỷ lệ giá của hai token bạn đã khóa đều có thể dẫn đến tổn thất tài chính. Quá trình này được gọi là lỗ tạm thời hoặc tổn thất tạm thời, nhưng các giao thức DeFi 2.0 đang khám phá ra các phương pháp mới để giảm thiểu rủi ro này.
Ví dụ: hãy tưởng tượng nếu thêm một token vào một LP mà bạn không cần thêm theo một cặp. Giao thức sẽ thêm token gốc của chúng làm mặt còn lại của cặp. Sau đó, bạn và cả giao thức sẽ nhận được phí từ các giao dịch hoán đổi..
Theo thời gian, giao thức sử dụng phí của họ để xây dựng quỹ bảo hiểm nhằm đảm bảo khoản tiền gửi của bạn trước những tác động của các khoản lỗ tạm thời. Nếu không có đủ phí để thanh toán các khoản lỗ, giao thức có thể tạo ra các token mới để trang trải chúng. Nếu có dư thừa token chúng có thể được lưu trữ để sử dụng sau, hoặc đốt để giảm nguồn cung.
Các khoản cho vay tự trả
Thông thường, vay tiền liên quan đến rủi ro thanh lý và lãi suất. Nhưng với DeFi 2.0, điều này không cần thiết phải như vậy. Ví dụ: hãy tưởng tượng bạn nhận một khoản vay trị giá 100 USD từ một người cho vay tiền mã hóa. Người cho vay cung cấp cho bạn 100 USD bằng tiền mã hóa nhưng yêu cầu 50 USD làm tài sản thế chấp. Sau khi bạn cung cấp khoản tiền gửi của mình, người cho vay có thể sử dụng số tiền này để nhận lãi và lãi này có thể dùng để trả khoản vay của bạn. Sau khi người cho vay đã kiếm được 100 USD bằng tiền mã hóa của bạn cộng với khoản phụ trội dưới dạng phí bảo hiểm, khoản tiền gửi của bạn sẽ được trả lại. Không có rủi ro thanh lý ở đây. Nếu token làm tài sản thế chấp giảm giá trị, thì sẽ mất nhiều thời gian hơn để khoản vay được trả hết.
Ai sẽ kiểm soát DeFi 2.0?
Với tất cả các tính năng và trường hợp sử dụng này, rất đáng để hỏi ai sẽ kiểm soát DeFi 2.0? Vâng, đã nói đến blockchain là nói đến phi tập trung. DeFi cũng không khác. Một trong những dự án đầu tiên của DeFi 1.0 là MakerDAO (DAI) đã thiết lập một tiêu chuẩn cho phong trào. Giờ đây, việc cộng đồng quyết định các vấn đề trong dự án ngày càng phổ biến.
Nhiều token nền tảng cũng hoạt động như token quản trị, cung cấp cho người nắm giữ quyền biểu quyết. Thật hợp lý khi kỳ vọng rằng DeFi 2.0 sẽ mang lại nhiều sự phi tập trung hơn trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, các quy định của pháp luật đang ngày càng được siết chặt hơn.
Những rủi ro của Defi 2.0 là gì và làm thế nào để ngăn chặn chúng?
Giống như DeFi 1.0, các dự án DeFi 2.0 cũng có nhiều rủi ro. Dưới đây là một số cách phổ biến và quan trọng để bạn có thể làm để giữ an toàn cho bản thân.
1. Các hợp đồng thông minh mà bạn tương tác có thể có cửa hậu, điểm yếu hoặc bị tấn công. Một quá trình kiểm định không bao giờ là đảm bảo cho sự an toàn của dự án. Nghiên cứu càng nhiều càng tốt về dự án và hiểu rằng việc đầu tư luôn tiềm ẩn rủi ro.
2. Các quy định có thể ảnh hưởng đến các khoản đầu tư của bạn. Các chính phủ và cơ quan quản lý trên toàn thế giới đang quan tâm đến hệ sinh thái DeFi. Mặc dù quy định và luật pháp có thể mang lại sự an toàn và ổn định cho tiền mã hóa, nhưng một số dự án có thể phải thay đổi các dịch vụ của họ dưới dạng các quy tắc mới.
3. Lỗ tạm thời. Ngay cả với bảo hiểm IL (lỗ tạm thời), DeFi vẫn là một rủi ro lớn đối với bất kỳ ai muốn tham gia vào khai thác thanh khoản. Rủi ro không bao giờ có thể được giảm thiểu hoàn toàn.
4. Có thể bạn sẽ thấy khó khăn trong việc truy cập tiền của mình. Nếu bạn đang stake qua giao diện người dùng trên trang web của dự án DeFi, bạn cũng nên tìm hợp đồng thông minh trên trình khám phá blockchain. Nếu không, bạn sẽ không thể rút tiền nếu trang web gặp sự cố. Tuy nhiên, điều này đòi hỏi bạn có một số chuyên môn kỹ thuật để tương tác trực tiếp với hợp đồng thông minh này.
Tổng kết
Mặc dù đã có nhiều dự án thành công trong không gian DeFi, nhưng chúng ta vẫn chưa tìm thấy và khai thác hết tiềm năng của DeFi 2.0. Chủ đề này vẫn còn phức tạp đối với hầu hết người dùng và bạn không nên sử dụng các sản phẩm tài chính nếu như chưa có đủ hiểu biết. Vẫn còn nhiều việc phải làm để có một quy trình đơn giản, đặc biệt là cho người dùng mới. Đã có những cách mới để giảm rủi ro và tạo ra APY, nhưng chúng ta sẽ phải chờ xem liệu DeFi 2.0 có thực hiện đầy đủ những gì nó hứa hẹn hay không.
Tuyên bố từ chối trách nhiệm: Bài viết này chỉ dành mục đích chia sẻ kiến thức. Binance không có mối quan hệ nào với các dự án này và không chứng thực cho các dự án. Thông tin được cung cấp qua Binance không phải là lời khuyên hoặc khuyến nghị đầu tư hoặc giao dịch. Binance không chịu trách nhiệm về bất kỳ quyết định đầu tư nào của bạn. Vui lòng tìm kiếm lời khuyên chuyên nghiệp trước khi chấp nhận rủi ro tài chính.