Phí Giao Dịch Blockchain Là Gì?

0
153

Tóm lược

Khi nói đến mạng blockchain, phí giao dịch thường được dùng cho hai mục đích thiết yếu. Đó là phần thưởng cho “thợ đào” và những người giúp xác thực giao dịch – giúp bảo vệ mạng khỏi các cuộc tấn công spam.

Phí giao dịch có thể là cao hoặc thấp, tùy thuộc vào hoạt động của mạng. Các tác nhân thị trường cũng có thể ảnh hưởng đến phí giao dịch mà bạn phải trả. Mặc dù phí cao có thể cản trở việc phổ biến blockchain rộng rãi, nhưng phí rất thấp có thể gây ra những lo ngại về an toàn và bảo mật.

Tại sao tồn tại phí giao dịch?

Kể từ khi blockchain ra đời, phí giao dịch luôn là một phần thiết yếu được nhắc tới. Bạn sẽ thấy phí này khi gửi, nạp hoặc rút tiền mã hóa.

Phí giao dịch tiền mã hóa tồn tại vì hai lý do quan trọng. Đầu tiên, phí làm giảm lượng giao dịch spam trên các mạng blockchain. Lý do là vì nó làm cho các cuộc tấn công spam quy mô lớn trở nên rất tốn kém để thực hiện. Thứ hai, phí giao dịch quan trọng vì nó có thể xem là động lực chính giúp người dùng trở thành người xác thực giao dịch. Phí giao dịch là một phần của phần thưởng cho việc hỗ trợ mạng blockchain hoạt động.

Đối với hầu hết các blockchain, phí giao dịch khá rẻ, nhưng chúng có thể khá đắt, tùy thuộc vào lưu lượng của mạng. Với vai trò là người dùng, số tiền bạn dùng để trả phí nhiều hay ít sẽ quyết định thứ tự giao dịch của bạn được ưu tiên thêm vào khối tiếp theo. Nói cách khác, bạn càng trả phí cao thì quá trình xác nhận giao dịch càng nhanh chóng.

Phí giao dịch Bitcoin

Là mạng blockchain đầu tiên trên thế giới, Bitcoin đã vô tình tạo ra tiêu chuẩn về mức phí giao dịch cho nhiều loại tiền mã hóa khác. Cha đẻ của Bitcoin – Satoshi Nakamoto nhận ra phí giao dịch có thể bảo vệ mạng khỏi các cuộc tấn công spam quy mô lớn và khuyến khích những hành vi tốt.

Trong đó, thợ đào bitcoin nhận được phí giao dịch qua quá trình xác thực giao dịch để tạo ra một khối mới. Tập hợp các giao dịch chưa được xác nhận được gọi là vùng nhớ (hoặc mempool). Các thợ đào sẽ ưu tiên các giao dịch gửi BTC từ ví này sang ví khác, nếu người dùng trả phí cao.

Do đó, nếu ai đó có ý đồ xấu, muốn làm chậm mạng thì họ phải trả một khoản phí mỗi giao dịch đó, dù là giao dịch spam. Nếu họ đặt mức phí quá thấp, các thợ đào có thể sẽ bỏ qua các giao dịch của họ. Nếu họ đặt chúng ở mức phù hợp, họ phải chịu một chi phí kinh tế lớn. Vì vậy, phí giao dịch cũng đóng vai trò như một bộ lọc giao dịch spam khá đơn giản nhưng hiệu quả.

Phí giao dịch BTC được tính như thế nào?

Trên mạng Bitcoin, một số ví tiền mã hóacho phép người dùng đặt phí giao dịch theo cách thủ công.  Tức là người dùng cũng có thể gửi BTC với phí bằng không, nhưng các thợ đào rất có thể sẽ bỏ qua các giao dịch này và chúng sẽ không được xác thực.

Không giống như niềm tin của nhiều người, phí Bitcoin không phụ thuộc vào số tiền được gửi mà phụ thuộc vào kích thước giao dịch (tính bằng byte). Ví dụ: Hãy tưởng tượng kích thước giao dịch của bạn là 400 byte và phí giao dịch trung bình hiện tại là 80 satoshi mỗi byte. Trong trường hợp này, bạn sẽ phải trả khoảng 32.000 satoshi (hay 0,0032 BTC) để có nhiều cơ hội cho giao dịch của bạn được thêm vào block tiếp theo.

Khi lưu lượng truy cập mạng cao và nhu cầu gửi BTC lớn, phí giao dịch tối thiểu để xác thực nhanh chóng có thể sẽ tăng lên vì những người dùng bitcoin khác cũng đang cố gắng làm điều tương tự. Hiện tượng này có thể xảy ra trong thời kỳ thị trường có những biến động dữ dội. 

Do đó, phí cao là một trong những nguyên nhân khiến BTC khó được dùng để thanh toán trong các hoạt động hằng ngày. Ví dụ như việc bạn không thể mua một tách cà phê trị giá 3 USD vì phí giao dịch quá cao so với chính ly cà phê đó.

Thực tế, chỉ có một số lượng nhất định các giao dịch được đặt trong một khối với giới hạn 1MB (kích thước khối). Thường thì các thợ đào sẽ cố gắng thêm các khối này vào blockchain càng nhanh càng tốt, nhưng tốc độ vẫn có giới hạn.

Khả năng mở rộng của mạng lưới tiền mã hóa cũng là một vấn đề quyết định phí giao dịch trong mạng. May mắn là các nhà phát triển blockchain đang nỗ lực để giải quyết vấn đề này. Các bản cập nhật phần mềm cho Bitcoin trước đây đã giúp cải thiện khả năng mở rộng mạng, chẳng hạn như việc triển khai SegWit và Lightning Network .

Bạn đang muốn đầu tư tiền mã hóa? Mua Bitcoin trên Binance ngay!

Phí giao dịch trên Ethereum

Phí giao dịch trên mạng Ethereum có cách hoạt động hơi khác so với Bitcoin. Phí đo bằng công suất điện toán cần thiết để xử lý một giao dịch, và phí này được gọi là gas (ga). Gas cũng biến động giá và giá được tính bằng ether (ETH) – token gốc của mạng. 

Trong khi lượng gas cần thiết cho một giao dịch ít khi thay đổi, thì giá gas có thể tăng hoặc giảm. Giá gas này liên quan trực tiếp đến lưu lượng mạng. Nếu bạn trả giá gas cao hơn, các thợ đào có thể sẽ ưu tiên cho giao dịch của bạn.

Phí giao dịch Ethereum được tính như thế nào?

Tổng phí gas có thể hiểu là các khoản thanh toán để đổi lấy năng lượng điện toán cần thiết, cộng với tiền phí để xử lý các giao dịch nhanh hơn. Tuy nhiên, bạn cũng nên cân nhắc giới hạn phí gas(gas limit) để xác định mức giá tối đa phải trả cho một giao dịch hoặc tác vụ.

Nói cách khác, chi phí gas là chi phí phải trả, và giá gas là giá cộng thêm cho những cho “mỗi giờ” làm việc của người xác thực. Mối quan hệ giữa hai điều này và giới hạn giá gas xác định tổng phí cho một giao dịch Ethereum và phí thực hiện hợp đồng thông minh.

Ví dụ: nếu một giao dịch phải tốn 21.000 gas và giá gas là 71 Gwei , phí giao dịch sẽ là 1.491.000 Gwei hoặc 0,001491 ETH.

ethscan-txfee

Nguồn: Etherscan.io

Khi Ethereum tiến tới áp dụng thuật toán Bằng chứng cổ phần (Proof of Stake), xem (Casper ), người dùng có thể kỳ vọng phí gas sẽ giảm. Thực tế, lượng gas cần thiết để xác nhận giao dịch sẽ thấp hơn vì mạng được cải tiến sẽ chỉ cần một phần nhỏ sức mạnh điện toán để xác thực giao dịch so với trước đây. Tuy nhiên, lưu lượng mạng vẫn có thể ảnh hưởng đến phí giao dịch và trình xác thực vẫn sẽ ưu tiên các giao dịch trả phí cao hơn.

Phí giao dịch trên Binance Chain

Binance Chain là một mạng blockchain cho phép người dùng giao dịch và mua bán BNB hoặc các token BEP-2 khác. Trên chuỗi này, Binance cũng tạo và phân phối token của riêng mình. Chuỗi Binance Chain áp dụng cơ chế đồng thuận được gọi là Bằng chứng Cổ phần được Ủy quyền (Delegated Proof of Stake). Vì vậy, thay vì thợ đào, Binance Chain có các trình xác nhận. 

Binance Chain cũng là nền tảng vận hành của sàn giao dịch phi tập trung Binance DEX, nơi người dùng có thể trực tiếp giao dịch tiền mã hóa từ các ví tiền mã hóa. Phí giao dịch trên Binance Chain và DEX được quy định là BNB.

Lưu ý rằng Binance Chain và Binance Smart Chain là hai blockchain khác nhau. Để biết thêm thông tin, vui lòng đọc bài viết Giới thiệu về Binance Smart Chain (BSC) .

Phí giao dịch Binance Chain được tính như thế nào?

Tùy thuộc vào tác vụ bạn muốn thực hiện, cơ cấu chi phí được tính bằng BNB sẽ được áp dụng tương ứng. Có một sự khác nhau giữa phí gửi BNB và phí giao dịch trên sàn giao dịch phi tập trung Binance DEX. Ngoài ra, người dùng còn nên lưu ý rằng tổng chi phí cho một giao dịch – tăng hoặc giảm – còn có thể phụ thuộc vào giá thị trường của BNB. 

Khi thực hiện các hoạt động di chuyển tiền không liên quan đến giao dịch mua bán, chẳng hạn như rút hoặc gửi BNB vào ví, người dùng chỉ có thể dùng BNB để trả phí. Còn lại, phí cho hoạt động giao dịch trên Binance DEX sẽ được tính bằng chính token được giao dịch, nhưng người dùng sẽ được chiết khấu khi thanh toán phí giao dịch bằng BNB. Chương trình này khuyến khích người dùng sử dụng BNB và thúc đẩy xây dựng một cơ sở người dùng cho đồng tiền này.

Phí giao dịch trên Binance Smart Chain

Binance Smart Chain (BSC) là một blockchain khác được xây dựng bởi Binance, chạy song song với Binance Chain (hai mạng này là riêng biệt). Trong khi BNB chạy trên Binance Chain là token BEP-2, thì BNB trên BSC là token BEP-20.

Binance Smart Chain cho phép tạo ra các hợp đồng thông minh với nhiều tùy chỉnh hơn. Cơ cấu chi phí cho BSC không cố định giống như Binance Chain. Thực tế, hệ thống gas được sử dụng (tương tự như Ethereum). Trong đó, phí giao dịch được tính bằng sức mạnh điện toán cần thiết để thực hiện các giao dịch hoặc thực hiện hợp đồng thông minh.

Mạng BSC sử dụng cơ chế đồng thuận Bằng chứng Cổ Phần Ủy Quyền (Proof of Staked Authority. Người dùng của mạng cần đặt cược BNB để trở thành người xác thực và sau khi xác thực thành công một khối, và họ cũng sẽ nhận được phí giao dịch trong đó.

Phí giao dịch trên Binance Smart Chain được tính như thế nào?

Như đã đề cập, cơ cấu chi phí BSC rất giống với cơ cấu chi phí trên Ethereum. Phí giao dịch được biểu thị bằng Gwei, là một mệnh giá nhỏ của BNB – tương đương 0,000000001 BNB. Người dùng có thể đặt giá gas để giành sự ưu tiên cho giao dịch của họ khi được thêm vào block. 

Để tìm hiểu giá gas hiện tại và lịch sử của giá gas,bạn có thể sử dụng BscScan. Trang này cung cấp thông tin về mức giá gas trung bình hàng ngày, giá gas thấp và cao nhất phải trả. Tính đến tháng 3 năm 2021, phí gas trung bình trên BSC là khoảng 13 Gwei.

Trong ví dụ dưới đây, giá gas là 10 Gwei. Lưu ý, giới hạn gas đã được đặt thành 622.732 Gwei, nhưng thực tế số gas được sử dụng chỉ là 352.755 (52,31%) Với số Gwei đã được sử dụng trong giao dịch này, phí giao dịch thực tế là 0,00325755 BNB.

bscscan-txfee

Nguồn: Bscscan.com

Lưu ý, phí trên BSC thường rất thấp, nhưng nếu bạn gửi các token đi mà không có BNB trong tài khoản, thì mạng vẫn sẽ thông báo rằng bạn không có đủ phí giao dịch cần thiết. Vì vậy, hãy đảm bảo bạn đang giữ một số BNB trong ví để thanh toán phí giao dịch.

Phí rút tiền trên Binance

Khi bạn thực hiện rút tiền trên sàn giao dịch Binance, bạn phải trả phí giao dịch liên quan. Các khoản phí khác nhau tùy thuộc vào loại tiền mã hóa và mạng mà bạn sử dụng. Binance có cơ cấu chi phí riêng cho các giao dịch diễn ra trong nền tảng giao dịch của mình. Tuy nhiên, phí rút tiền bị ảnh hưởng bởi các yếu tố bên ngoài không nằm trong tầm kiểm soát của Binance.

Việc rút tiền mã hóa của bạn phụ thuộc vào công việc của các thợ đào hoặc người xác thực không trực thuộc hệ sinh thái Binance. Do đó, Binance phải điều chỉnh phí rút tiền một các định kỳ, dựa trên các điều kiện mạng – gồm lưu lượng truy cập và nhu cầu thực tế.

Binance cũng đặt giới hạn số tiền mã hóa tối thiểu mà bạn có thể được rút. Bạn có thể tra cứu các giới hạn này trên trang Biểu phí.

Phí giao dịch còn dựa trên cấp độ VIP tài khoản của bạn trên Binance (và điều này độc lập với phí rút tiền). Trong đó, khối lượng giao dịch tích lũy hàng tháng sẽ xác định cấp độ VIP tài khoản của bạn. Phí tối đa hiện được tính là 0,1% tổng số tiền mã hóa được giao dịch, dù bạn là người bán hoặc người mua. Lưu ý, nếu người dùng thanh toán phí giao dịch bằng BNB, họ sẽ phải trả chi phí thấp hơn do được hưởng chiết khấu.

Tổng kết

Phí giao dịch là một phần không thể thiếu trong nền kinh tế tiền mã hóa  – hay nói cách khác là các mạng blockchain. Chúng là một phần trong phần thưởng cho những người dùng đang giúp mạng duy trì hoạt động. Phí cũng cung cấp một lớp bảo vệ chống lại các hành vi có hại và spam giao dịch.

Vì lượng truy cập mà một số mạng có mức phí khá cao. Tuy nhiên, đây là một trong những đặc thù của mạng phi tập trung khiến các blockchain khó mở rộng quy mô. Đúng là một số mạng có khả năng mở rộng với thông lượng giao dịch cao hơn, nhưng điều đó thường đi kèm với đánh đổi về bảo mật hoặc phân quyền.

Tuy nhiên, về lâu dài, một số nhà nghiên cứu và nhà phát triển vẫn đang làm việc để tiếp tục cải tiến tiền mã hóa. Mục tiêu của những người này là giúp cho tiền mã hóa dễ hòa nhập hơn vào một thế giới đang phát triển.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây