Hướng dẫn hoàn chỉnh về tài chính phi tập trung (DeFi) dành cho người mới bắt đầu

0
150

Nội dung

  • Tài chính phi tập trung (DeFi) là gì?
  • Những lợi thế lớn nhất của DeFi?
  • Các ứng dụng tiềm năng trong DeFi?
    • Vay & Cho vay
    • Các dịch vụ ngân hàng liên quan đến tiền tệ
    • Các sàn phi tập trung
  • Vai trò của hợp đồng thông minh trong DeFi?
  • DeFi đang phải đối mặt với những thách thức nào?
  • Sự khác biệt giữa DeFi và Ngân hàng mở là gì?
  • Tổng kết

Tài chính phi tập trung (DeFi) là gì?

Tài chính phi tập trung (gọi tắt là DeFi) đề cập đến một hệ sinh thái các ứng dụng tài chính được xây dựng trên các mạng blockchain. 

Cụ thể hơn, thuật ngữ Tài chính phi tập trung đề cập đến xu hướng tạo ra hệ sinh thái dịch vụ tài chính mã nguồn mở với các ứng dụng không cần sự cho phép và hoàn toàn minh bạch, cho phép tất cả mọi người tự do sử dụng mà không cần bất kỳ sự kiểm soát của cơ quan nào. Người dùng sẽ duy trì toàn quyền kiểm soát tài sản của họ và tương tác với hệ sinh thái này thông qua các ứng dụng ngang hàng (P2P) và ứng dụng phi tập trung (dapps) .

Lợi ích cốt lõi của DeFi là sự tiếp cận dễ dàng các dịch vụ tài chính, đặc biệt là đối với những người bị tách biệt khỏi hệ thống tài chính hiện tại. Tiềm năng khác của DeFi còn là các khuôn khổ và module mà nó được xây dựng. Nói cách khác, các ứng dụng DeFi có thể tương tác trên các blockchain công khai có khả năng tạo ra các thị trường tài chính, sản phẩm và dịch vụ hoàn toàn mới. 

Bài viết này sẽ giới thiệu sâu hơn về DeFi, các ứng dụng tiềm năng hứa hẹn, những hạn chế và nhiều điều hơn nữa.

Những lợi thế lớn nhất của DeFi?

Tài chính truyền thống có các tổ chức như ngân hàng hay tòa án để làm trung gian để phân xử. 

DeFi không cần bất kỳ trung gian hoặc trọng tài nào. Bởi code của hệ thống đã chỉ định sẵn cách giải quyết mọi tranh chấp có thể xảy ra, và người dùng luôn duy trì quyền kiểm soát tiền của họ. Điều này làm giảm các chi phí liên quan đến việc cung cấp và sử dụng các sản phẩm, và cho phép hệ thống tài chính hoạt động một cách ổn định hơn.

Khi các dịch vụ tài chính mới này được triển khai trên các blockchain, các lỗi đơn lẻ cũng sẽ bị loại bỏ. Ngoài ra, dữ liệu được ghi lại trên blockchain và trải rộng trên hàng nghìn nodes khiến việc kiểm duyệt hoặc khả năng ngừng hoạt động của dịch vụ trở thành một công việc phức tạp. 

Vì cơ chế hoạt động cho các ứng dụng DeFi được xây dựng trước nên việc triển khai chúng cũng trở nên ít phức tạp và an toàn hơn.

Một lợi thế đáng kể khác của hệ sinh thái mở là các cá nhân vốn không có quyền truy cập vào bất kỳ dịch vụ tài chính nào sẽ có sự tiếp cận dễ dàng hơn. Nói cách khác, vì hệ thống tài chính truyền thống dựa vào các trung gian tạo ra lợi nhuận, nên các dịch vụ của họ thường không có ở các địa điểm có cộng đồng thu nhập thấp. Tuy nhiên, với DeFi, chi phí được giảm đáng kể và các cá nhân có thu nhập thấp cũng có thể hưởng lợi từ nhiều loại dịch vụ tài chính.

Các ứng dụng tiềm năng trong DeFi?

Vay & Cho vay

Các giao thức cho vay cũng là một trong những ứng dụng phổ biến nhất và là một phần quan trọng của hệ sinh thái DeFi. Hệ thống vay và cho vay mở, phi tập trung có nhiều ưu điểm hơn so với hệ thống tín dụng truyền thống. Chúng giúp giải quyết các giao dịch ngay tức thì, cho phép thế chấp tài sản kỹ thuật số, không cần kiểm tra tín dụng và khả năng tiêu chuẩn hóa trong tương lai. 

Vì các dịch vụ cho vay này được xây dựng trên các blockchain công khai, chúng giảm thiểu yêu cầu tín dụng cần thiết, thay vào đó chúng được đảm bảo bởi các phương pháp xác minh mật mã. Thị trường cho vay trên blockchain làm giảm rủi ro đối tác, làm cho việc vay và cho vay rẻ hơn, nhanh hơn và luôn có sẵn cho nhiều người.

Các dịch vụ ngân hàng liên quan đến tiền tệ

Như định nghĩa và tên gọi, về cơ bản, DeFi là các ứng dụng tài chính, dịch vụ ngân hàng và tiền tệ. Điều này bao gồm cả việc phát hành stablecoin, thế chấp và bảo hiểm.

Khi ngành công nghiệp blockchain đang ngày một phát triển, ngày càng có nhiều sự đầu tư vào việc tạo ra các stablecoin. Stablecoin là một loại tiền mã hóa, thường được gắn với một tài sản trong thế giới thực, nhưng có thể được chuyển giao kỹ thuật số một cách tương đối dễ dàng. Vì giá tiền mã hóa có thể biến động nhanh vào các thời điểm khác nhau, các stablecoin phi tập trung có thể được sử dụng hàng ngày như tiền mặt kỹ thuật số, dù không được cơ quan trung ương phát hành và giám sát. 

Thông thường, với số lượng trung gian cần phải tham gia, quá trình thế chấp trong tài chính truyền thống thường rất tốn kém và mất thời gian. Với việc sử dụng hợp đồng thông minh, phí bảo lãnh phát hành và chi phí pháp lý có thể giảm đáng kể.

Bảo hiểm trên blockchain có thể loại bỏ sự cần thiết của các bên trung gian và cho phép phân bổ rủi ro giữa nhiều người tham gia. Điều này có thể dẫn đến phí bảo hiểm thấp hơn với cùng chất lượng dịch vụ tốt hơn. 

Nếu bạn muốn đọc thêm về chủ đề blockchain trong lĩnh vực ngân hàng, chúng tôi khuyên bạn nên đọc bài viết: Cách công nghệ Blockchain sẽ tác động đến ngành Ngân Hàng.

Các sàn phi tập trung

Khó có thể đánh giá loại ứng dụng này, vì trong lĩnh vực tài chính, đây vốn là khía cạnh có nhiều sự đổi mới nhất của DeFi. 

Có thể cho rằng, một ứng dụng quan trọng nhất của DeFi là các sàn giao dịch dịch phi tập trung (DEX). Các nền tảng này cho phép người dùng giao dịch tài sản kỹ thuật số mà không cần một trung gian đáng tin cậy ( sàn giao dịch) để giữ tiền thay cho họ. Các giao dịch được thực hiện trực tiếp giữa các ví của người dùng với sự trợ giúp của hợp đồng thông minh. 

Vì chúng ít yêu cầu bảo trì hơn, các sàn giao dịch phi tập trung thường có phí giao dịch thấp hơn các sàn giao dịch tập trung. 

Công nghệ blockchain cũng có thể được sử dụng để phát hành và cho phép sở hữu một loạt các loại công cụ tài chính thông thường. Các ứng dụng này sẽ hoạt động theo cách phi tập trung, giảm tải những bên giám sát và loại bỏ các lỗi đơn lẻ.

Ví dụ: nền tảng phát hành token bảo mật có thể cung cấp các công cụ và tài nguyên cho các tổ chức phát hành để khởi chạy chứng khoán được token hóa trên blockchain với các thông số có thể tùy chỉnh.  

Các dự án khác có thể cho phép tạo ra các công cụ phái sinh, tài sản tổng hợp, thị trường dự đoán phi tập trung, v.v.

Vai trò của hợp đồng thông minh trong DeFi?

Hầu hết các ứng dụng hiện có và tiềm năng của Tài chính phi tập trung liên quan đến việc tạo và thực hiện các hợp đồng thông minh. Trong khi hợp đồng thông thường sử dụng thuật ngữ pháp lý để xác định các điều khoản của mối quan hệ giữa các chủ thể tham gia hợp đồng, thì hợp đồng thông minh sử dụng code máy tính.

Vì các điều khoản của chúng được viết bằng code, nên hợp đồng thông minh là thứ duy nhất có khả năng thực thi các điều khoản đó – cũng thông qua code. Điều này cho phép việc thực thi trở nên đáng tin cậy và tự động hóa, khác với một số lượng lớn các quy trình kinh doanh hiện yêu cầu rất nhiều các hoạt động giám sát thủ công.

Sử dụng hợp đồng thông minh nhanh hơn, dễ dàng hơn và giảm rủi ro cho cả hai bên. Nhưng mặt khác, hợp đồng thông minh cũng tạo ra các loại rủi ro mới. Vì là code nên chúng có khả năng lỗi code và có lỗ hổng bảo mật, giá trị và thông tin bí mật bị khóa trong các hợp đồng thông minh cũng sẽ gặp rủi ro.

DeFi đang phải đối mặt với những thách thức nào?

  • Hiệu suất kém: Các blockchains vốn đã chậm hơn so với các hệ thống tập trung và điều này cũng sẽ được “di truyền” sang các ứng dụng được xây dựng trên chúng. Các nhà phát triển ứng dụng DeFi cần tính đến những hạn chế này và tối ưu hóa sản phẩm của họ cho phù hợp.
  • Rủi ro cao từ lỗi người dùng: Với các ứng dụng DeFi , các rủi ro từ bên trung gian nay đã chuyển sang thành lỗi người dùng. Đây có thể là một khía cạnh tiêu cực với nhiều người. Việc thiết kế các sản phẩm giảm thiểu rủi ro do lỗi người dùng là một thách thức đặc biệt khó khăn khi phát triển các sản phẩm trên các blockchain – vốn có tính bất biến.
  • Trải nghiệm người dùng tồi tệ: Hiện tại, việc sử dụng các ứng dụng DeFi vẫn đòi hỏi người dùng phải nỗ lực thực hiện nhiều các thao tác phức tạp hơn. Để các ứng dụng DeFi trở thành yếu tố cốt lõi của hệ thống tài chính toàn cầu, chúng phải mang lại lợi ích rõ rệt mới có thể khuyến khích người dùng chuyển đổi từ hệ thống truyền thống.
  • Hệ sinh thái phức tạp: Việc tìm các ứng dụng phù hợp nhất cho một trường hợp sử dụng cụ thể vẫn là một khó khăn với người dùng và người dùng phải có khả năng tìm ra những lựa chọn tốt nhất. Việc xây dựng các ứng dụng đã khó, nhưng để chúng dễ dùng trong một hệ sinh thái DeFi rộng lớn còn là thách thức lớn hơn.

Sự khác biệt giữa DeFi và Ngân hàng Mở là gì?

Ngân hàng mở là hệ thống ngân hàng nơi các nhà cung cấp dịch vụ tài chính thuộc bên thứ ba được cấp quyền truy cập an toàn vào dữ liệu tài chính thông qua các API. Điều này cho phép kết nối các tài khoản và dữ liệu giữa các ngân hàng và các tổ chức tài chính phi ngân hàng. Về cơ bản, nó cũng tạo ra các loại sản phẩm và dịch vụ mới nằm trong hệ thống tài chính truyền thống. 

Tuy nhiên, DeFi đề xuất một hệ thống tài chính hoàn toàn mới, độc lập với cơ sở hạ tầng hiện tại. Đôi khi, DeFi cũng được gọi là tài chính mở.

Ví dụ: ngân hàng mở có thể cho phép quản lý tất cả các công cụ tài chính truyền thống trong một ứng dụng bằng cách lấy dữ liệu từ một số ngân hàng và tổ chức một cách an toàn. 

Trong khi đó, Tài chính phi tập trung cũng có thể cho phép quản lý các công cụ tài chính hoàn toàn và các cách thức tương tác hoàn toàn mới.

Tổng kết

Tài chính phi tập trung tập trung vào việc xây dựng các dịch vụ tài chính tách biệt với hệ thống tài chính và nền chính trị truyền thống. Điều này sẽ cho phép một hệ thống tài chính cởi mở hơn và có khả năng ngăn chặn các tiền lệ về kiểm duyệt và phân biệt đối xử trên toàn thế giới.

Mặc dù là một ý tưởng hấp dẫn, nhưng tính chất phân quyền không phải tạo ra mọi thứ đều có lợi. Tìm ra các tính năng phù hợp nhất, dựa vào các đặc điểm của blockchain là việc rất quan trọng trong việc xây dựng các sản phẩm tài chính mở hữu ích.

Nếu phát triển và mở rộng thành công, DeFi có thể lấy bớt quyền lực từ các tổ chức tập trung lớn và đặt nó vào tay cộng đồng mã nguồn mở và các cá nhân riêng lẻ. Liệu điều đó có giúp tạo ra một hệ thống tài chính hoạt động hiệu quả hơn hay không? Điều này sẽ được quyết định khi DeFi được công nhận và ứng dụng trong nền tài chính chính thống.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây