Chuỗi cung ứng là một mạng lưới gồm người dùng và doanh nghiệp tham gia vào việc tạo và phân phối một sản phẩm hoặc dịch vụ cụ thể – tất cả các khâu từ nhà cung cấp ban đầu đến người dùng và khách hàng cuối. Một hệ thống chuỗi cung ứng cơ bản thường gồm các nhà cung cấp thực phẩm hoặc nguyên liệu thô, các nhà sản xuất (giai đoạn chế biến), các công ty logistic, và các nhà bán lẻ cuối cùng.
Hiện tại, hệ thống quản lý chuỗi cung ứng đang bị ảnh hưởng do sự thiếu tính hiệu quả và minh bạch, và hầu hết các mạng lưới gặp khó khăn khi cố gắng tích hợp tất cả các bên liên quan. Trạng thái lý tưởng nhất là khi các sản phẩm và vật tư, cũng như tiền và dữ liệu được lưu chuyển liền mạch qua các giai đoạn khác nhau của chuỗi.
Tuy nhiên, với mô hình hiện tại, việc duy trì một hệ thống chuỗi cung ứng nhất quán và hiệu quả là khó khăn. Nó tác động tiêu cực không chỉ đến lợi nhuận của các công ty mà còn cả giá bán lẻ cuối cùng.
Một số vấn đề cấp bách nhất của chuỗi cung ứng có thể được giải quyết thông qua việc ứng dụng công nghệ blockchain vì nó cung cấp các cách thức mới cho việc ghi chép, truyền và chia sẻ dữ liệu.
Lợi ích của việc ứng dụng blockchain trong chuỗi cung ứng
Vì các blockchain được thiết kế dưới dạng hệ thống phân tán, chúng có khả năng chống sửa đổi cao nên có thể rất phù hợp khi ứng dụng vào các mạng lưới chuỗi cung ứng. Một blockchain bao gồm một chuỗi các khối dữ liệu, được liên kết thông qua các kỹ thuật mã hóa nhằm đảm bảo dữ liệu được lưu trữ không thể bị thay đổi hoặc giả mạo – trừ khi có sự đồng ý của toàn bộ mạng lưới.
Do đó, các hệ thống blockchain cung cấp một kiến trúc an toàn và đáng tin cậy để truyền tải thông tin. Mặc dù thường được sử dụng để ghi lại các giao dịch tiền điện tử, công nghệ blockchain có thể cực kỳ hữu ích cho việc bảo mật tất cả các loại dữ liệu kỹ thuật số, và việc áp dụng nó vào mạng lưới chuỗi cung ứng có thể mang lại nhiều lợi ích.
Hồ sơ minh bạch và bất biến
Hãy tưởng tượng rằng chúng ta có một số công ty và tổ chức làm việc cùng nhau. Họ có thể sử dụng hệ thống blockchain để ghi dữ liệu về vị trí và quyền sở hữu đối với các vật tư và sản phẩm của họ. Bất kỳ thành viên nào trong chuỗi cung ứng đều có thể thấy những gì đang diễn ra khi các nguồn lực lưu chuyển từ công ty này sang công ty khác. Vì các bản ghi dữ liệu không thể thay đổi nên sẽ không có chuyện tranh cãi về việc bên nào sẽ chịu trách nhiệm nếu xảy ra sự cố.
Cắt giảm chi phí
Rất nhiều lãng phí xảy ra do sự thiếu hiệu quả trong mạng lưới chuỗi cung ứng. Vấn đề này đặc biệt phổ biến trong các ngành công nghiệp có hàng hóa dễ hư hỏng. Việc theo dõi và minh bạch dữ liệu được cải thiện giúp các công ty xác định các khu vực gây lãng phí, nhờ đó có thể áp dụng các biện pháp tiết kiệm chi phí.
Blockchain cũng có thể giúp loại bỏ các khoản phí liên quan đến việc lưu chuyển tiền ra và vào qua các tài khoản ngân hàng và các bộ xử lý thanh toán khác nhau. Các khoản phí này làm cắt giảm biên lợi nhuận, vì vậy việc có thể đưa chúng ra khỏi phương trình tính toán là rất có ý nghĩa.
Tạo dữ liệu có thể tương tác
Một trong những vấn đề quan trọng nhất đối với chuỗi cung ứng hiện tại là không thể tích hợp dữ liệu trên mọi đối tác trong quy trình. Các blockchain được xây dựng dưới dạng các hệ thống phân tán, nhờ đó giúp duy trì kho lưu trữ dữ liệu nhất quán và minh bạch. Mỗi nút của mạng lưới (mỗi bên) tham gia vào việc thêm dữ liệu mới và việc xác minh tính toàn vẹn của dữ liệu. Điều này có nghĩa là tất cả các thông tin được lưu trữ trên một blockchain có thể được truy cập được bởi tất cả các bên liên quan, vì vậy một công ty có thể dễ dàng xác minh được thông tin nào đang được phát đi bởi một bên khác.
Thay thế EDI
Nhiều công ty dựa vào các hệ thống Trao đổi Dữ liệu Điện tử (EDI) để gửi thông tin kinh doanh cho nhau. Tuy nhiên, dữ liệu này thường xuyên đi ra theo các lô, thay vì theo thời gian thực. Nếu một lô vận chuyển bị mất hoặc giá thay đổi nhanh chóng, những đối tượng tham gia khác trong chuỗi cung ứng sẽ chỉ nhận được thông tin này sau khi lô EDI tiếp theo được xuất đi. Với blockchain, thông tin được cập nhật thường xuyên và có thể nhanh chóng được gửi đi cho tất cả các bên liên quan.
Thỏa thuận kỹ thuật số và chia sẻ tài liệu
Một bản xác tín duy nhất là rất quan trọng đối với bất kỳ loại hình chia sẻ tài liệu chuỗi cung ứng nào. Các tài liệu và hợp đồng cần thiết có thể được liên kết với các giao dịch blockchain và chữ ký số, vì vậy tất cả các bên tham gia đều có thể truy cập vào phiên bản gốc của các thỏa thuận và tài liệu.
Blockchain đảm bảo tính bất biến của tài liệu, và các thỏa thuận chỉ có thể được thay đổi nếu tất cả các bên liên quan đạt được sự đồng thuận. Bằng cách này, các tổ chức có thể tiêu tốn ít thời gian hơn cho các luật sư khi làm việc với các thủ tục giấy tờ hoặc tại bàn đàm phán, và sẽ có thêm thời gian cho việc phát triển sản phẩm mới hoặc thúc đẩy tăng trưởng kinh doanh.
Những thách thức của việc ứng dụng blockchain trong quản lý chuỗi cung ứng
Mặc dù công nghệ blockchain có tiềm năng ứng dụng rất lớn trong ngành chuỗi cung ứng, có một số thách thức và hạn chế đáng để xem xét.
Triển khai các hệ thống mới
Các hệ thống được xây dựng dành cho chuỗi cung ứng của tổ chức có thể không có khả năng thích ứng với môi trường dựa trên blockchain. Việc đại tu cơ sở hạ tầng và quy trình kinh doanh của công ty là một công việc quan trọng, có thể phá vỡ các hoạt động và lấy đi các nguồn lực từ các dự án khác. Do đó, quản lý cấp trên có thể do dự khi ký phê chuẩn cho loại hình đầu tư này trước khi nhận thấy rằng nó được áp dụng rộng rãi bởi những đối thủ khác cùng ngành.
Triển khai cho các đối tác
Các đối tác tham gia vào chuỗi cung ứng cũng cần sẵn sàng tham gia vào việc ứng dụng công nghệ blockchain. Các tổ chức vẫn nhận được lợi ích dù chỉ có một phần của quy trình được áp dụng blockchain, nhưng không thể tận dụng tối đa lợi ích của nó khi mà vẫn còn có những thứ không muốn được công khai. Tính minh bạch không phải là điều mà tất cả các công ty mong muốn.
Quản lý thay đổi
Một khi hệ thống dựa trên blockchain được áp dụng, doanh nghiệp phải thúc đẩy việc áp dụng nó tới các nhân viên. Một kế hoạch quản lý thay đổi cần phải giúp làm rõ các vấn đề sau: blockchain là gì, cách thức nó giúp cải thiện công việc, và cách làm việc với các hệ thống mới được ứng dụng blockchain. Một chương trình đào tạo có thể giúp truyền đạt các tính năng mới hoặc các cải tiến đến từ công nghệ blockchain, nhưng điều đó chắc chắn cần có thời gian và tài nguyên.
Nhìn về tương lai
Một số tên tuổi lớn trong ngành chuỗi cung ứng đã và đang áp dụng các hệ thống phân tán dựa trên blockchain và đang thiết lập các tài nguyên để khuyến khích việc sử dụng công nghệ này. Chúng ta có thể thấy các nền tảng chuỗi cung ứng toàn cầu đang tận dụng công nghệ blockchain cho việc tổ chức chia sẻ thông tin của các công ty khi lưu chuyển các sản phẩm và vật tư.
Công nghệ blockchain có thể biến đổi các tổ chức theo nhiều cách khác nhau, bao gồm sản xuất, chế biến, logistic và giải trình trách nhiệm. Mỗi công đoạn có thể được đăng ký và xác minh để tạo hồ sơ minh bạch và không thẻ thay đổi. Do đó, việc ứng dụng blockchain trong các mạng lưới chuỗi cung ứng chắc chắn có tiềm năng giúp loại bỏ các khu vực kém hiệu quả hiện rất phổ biến trong các mô hình quản lý truyền thống.