Các trường hợp ứng dụng Blockchain

0
129

Các ý tưởng đằng sau blockchain được hình thành đầu tiên vào năm 1991, nhưng phải đến khi Bitcoin được phát triển vào năm 2009, công nghệ này mới bắt đầu nhận được nhiều sự chú ý. Bitcoin được tạo ra bởi một người hoặc một nhóm người dưới bút danh Satoshi Nakamoto. Mặc dù vẫn chưa biết chính xác Satoshi Nakamoto là ai, công nghệ mới của họ đã tạo ra một tác động to lớn đến cách thế giới tạo và sử dụng tiền.

Hầu hết các blockchain hoạt động như một sổ cái phân tán ghi lại và bảo vệ dữ liệu kỹ thuật số thông qua việc sử dụng mật mã. Công nghệ này thường được áp dụng cho các mạng lưới tiền kỹ thuật số (tiền điện tử), nhưng với bản chất phi tập trung và an toàn, nó trở thành một công cụ mạnh mẽ được ứng dụng cho nhiều ngành công nghiệp khác.

Khi không gian tiền điện tử phát triển và các giải pháp dựa trên blockchain được cải thiện, việc tìm hiểu cách thức công nghệ tiên tiến này được ứng dụng trong các trường hợp khác nhau là rất quan trọng.

Với việc không đòi hỏi phải có sự tín thác và chi phí tốn kém để đảm bảo bảo mật, blockchain mang lại hiệu quả đáng kể. Hơn nữa, mạng lưới phi tập trung có thể được cấu hình để trở thành một cơ sở dữ liệu minh bạch, có thể được nhìn thấy bởi tất cả những người tham gia vào mạng lưới. Theo cách này, công nghệ blockchain cho phép tạo một bản ghi phân tán nhưng đảm bảo tính thống nhất. Điều này mang đến cơ hội cải thiện hiệu suất và bảo mật cho nhiều ngành công nghiệp và tổ chức (ví dụ: từ thiện, chuỗi cung ứng, chăm sóc sức khỏe, v.v.).

Từ thiện

Nhiều tổ chức từ thiện trên thế giới đang gặp các thách thức trong việc quản lý tài nguyên, minh bạch hoạt động và quản trị hiệu quả. Công nghệ blockchain có thể giúp các tổ chức này tối ưu hóa quá trình nhận và quản lý quỹ tiền.

Chúng ta có một số ví dụ nổi bật về việc tích hợp công nghệ blockchain vào công tác từ thiện. Chẳng hạn, Quỹ từ thiện Blockchain (BCF) là một tổ chức phi lợi nhuận hoạt động hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững nhằm chống lại nghèo đói và bất bình đẳng bằng cách thúc đẩy việc triển khai blockchain vào hoạt động từ thiện trên toàn thế giới.

Chuỗi cung ứng

Hầu hết các mạng lưới chuỗi cung ứng đang gặp nhiều trở ngại liên quan đến tính minh bạch và hiệu quả. Hệ thống quản lý hiện tại vẫn phụ thuộc vào sự tín thác và sự tích hợp giữa công ty và các bên liên quan trong chuỗi cung ứng là còn rất xa vời. Công nghệ blockchain có thể được sử dụng để theo dõi toàn bộ quá trình tạo và phân phối vật liệu trong mạng lưới chuỗi cung ứng. Một cơ sở dữ liệu phân tán có thể phù hợp để ghi lại an toàn mọi dữ liệu liên quan, đảm bảo tính xác thực của các sản phẩm cũng như tính minh bạch trong thanh toán và vận chuyển.

Chăm sóc sức khỏe

Tình trạng nghẽn cổ chai trong vận hành, lỗi dữ liệu và quan liêu là các vấn đề nổi cộm đối với lĩnh vực chăm sóc sức khỏe. Blockchain được ứng dụng vào một số trường hợp trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, bao gồm công tác theo dõi thuốc thông qua chuỗi cung ứng và quản lý dữ liệu bệnh nhân.

Hơn nữa, blockchain có thể mang lại lợi ích bảo mật đáng kể cho dữ liệu của các bệnh viện vì các tổ chức này thường bị tin tặc tấn công bởi giá trị cao và tính đáng tin cậy cao của các dữ liệu này.

Các công ty đang khám phá việc sử dụng blockchain như một cách để lưu trữ hồ sơ sức khỏe kỹ thuật số. Các giải pháp này có thể giúp giảm chi phí tổng thể, đồng thời tăng cường tính riêng tư và chính xác của dữ liệu.

Tiền bản quyền

Các nhạc sĩ, nhà làm game video và các nghệ sĩ nói chung thường xuyên phải đấu tranh để thu về tiền bản quyền họ xứng đáng được nhận do tình trạng vi phạm bản quyền kỹ thuật số, mối quan hệ không công bằng với các bên thứ ba hoặc đơn giản là do không được trả tiền bản quyền.

Công nghệ blockchain có thể được sử dụng để tạo ra một nền tảng giúp những nghệ sĩ sáng tạo này có một hồ sơ bất biến và minh bạch ghi chép những đối tượng đang thuê, mua và/hoặc sử dụng nội dung sáng tạo của họ. Một nền tảng như vậy cũng có thể tạo điều kiện cho việc thanh toán thông qua các hợp đồng thông minh – về cơ bản, đây là các hợp đồng kỹ thuật số tự thực thi.

Quản trị

Công nghệ Blockchain có tiềm năng cải thiện đáng kể công tác quản trị trong các lĩnh vực khác nhau. Bằng cách quản lý các mạng lưới và các hoạt động vận hành theo hướng dân chủ hóa, công bằng và an toàn hơn, các hệ thống dựa trên blockchain có thể được triển khai như một công cụ để loại bỏ tình trạng gian lận phiếu bầu và tăng niềm tin trong các cuộc bầu cử hoặc các quy trình lập hiến khác. Chúng cũng có thể được sử dụng như một vũ khí mạnh mẽ chống tham nhũng, tăng cường tính toàn vẹn của dữ liệu và khả năng truy xuất nguồn gốc trong nhiều tình huống khác nhau, từ thu thuế cho đến phân phối các khoản hỗ trợ tài chính.

Giải pháp thanh toán và dApps

Khi nói đến việc việc gửi tiền trên toàn thế giới, công nghệ blockchain đã chứng minh tính hiệu quả của mình. Gửi tiền điện tử cho bạn bè, gia đình và những người khác trên khắp thế giới có chi phí rẻ hơn và nhanh hơn so với các phương thức thanh toán được cung cấp bởi các ngân hàng tập trung.

Ngoài ra,các trang web và các Apps tập trung không cung cấp cho người dùng quyền kiểm soát dữ liệu của họ và thường không thưởng cho người dùng dựa theo giá trị thực mà họ mang lại cho nền tảng. Các ứng dụng phi tập trung dựa trên Blockchain (dApps) loại bỏ đối tượng trung gian, mang đến cho người dùng tiềm năng trong việc được giảm phí, nhận được ưu đãi tốt hơn và có được hiệu quả giao dịch cao hơn trong quá trình gửi và nhận tiền kỹ thuật số.

Như Vitalik Buterin từng nói, các giải pháp blockchain cho phép mọi người làm việc trực tiếp với nhau, loại bỏ các khâu trung gian hoặc các hệ thống tập trung.

“Trong khi hầu hết các công nghệ có xu hướng tự động, đưa người lao động ra rìa để làm các công việc tầm thường thì blockchain lại ngược lại. Thay vì khiến công việc xa khỏi người tài xế taxi, blockchain đưa công việc xa khỏi Uber và cho phép các tài xế taxi làm việc trực tiếp với khách hàng.”

Internet Vạn vật (IoT)

Blockchain và Internet Vạn Vật (IoT) là một kết hợp tự nhiên. Blockchain là công nghệ phi tập trung và các mạng lưới IoT thường được sử dụng để thu thập dữ liệu từ các nguồn nằm rải rác.

Blockchain cho phép các tổ chức giữ một sổ cái bất biến và minh bạch về các thiết bị IoT, dữ liệu thu thập và các tương tác giữa các thiết bị. Trong số các tính năng bảo mật và các ứng dụng tiền điện tử, blockchain cung cấp một nền tảng lý tưởng cho các giao dịch giữa máy với máy (M2M).

Vì blockchain là một công nghệ dựa trên việc tạo điều kiện cho các giao dịch chính xác và an toàn, điều đó chỉ có ý nghĩa khi nó được tích hợp với IoT để đảm bảo tính trách nhiệm giải trình và tính chính xác và bảo mật dữ liệu. Đó là lý do tại sao nhiều công ty đã đặt rất nhiều tài nguyên vào mạng IoT được hỗ trợ bởi blockchain.

Lời kết

Là công nghệ sổ cái phân tán, blockchain có khả năng cung cấp các tính năng được cải tiến bao gồm tính bảo mật, tính minh bạch, trách nhiệm giải trình và hiệu quả cho các mạng lưới và các tổ chức. Công nghệ này giúp tăng cường sự riêng tư và loại bỏ việc đòi hỏi sự tín thác. Nó cũng tạo ra một mạng lưới internet có giá trị nơi người dùng có thể thực hiện các giao dịch ngang hàng không biên giới và đảm bảo sự phân chia lợi ích công bằng cho các bên liên quan tham gia vào mạng lưới.

Công nghệ blockchain và tiền điện tử không đơn thuần chỉ xuất hiện mà chúng nắm giữ sức mạnh chuyển đổi tất cả các ngành công nghiệp và các lĩnh vực của cuộc sống, từ tài chính, nông nghiệp và big data cho đến chính phủ, bầu cử và luật.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây