Thấu hiểu tác động của nó lên nhà đầu tư và lí do vì sao nó lại quan trọng
Futures truyền thống vs. Futures không kỳ hạn
Đối với các hợp đồng tương lai (futures) truyền thống, quá trình thanh toán thường diễn ra sau mỗi tháng hoặc quý – tuỳ thuộc vào chi tiết của hợp đồng. Tại thời điểm thanh toán, giá hợp đồng sẽ hội tụ về với giá giao dịch spot, và mọi vị thế đang mở đều sẽ bị đóng lại.
Hợp đồng tương lai không kỳ hạn là sản phẩm đang được nhiều sàn phái sinh tiền mã hoá hỗ trợ, và nó có thiết kế tương tự futures truyền thống. Tuy nhiên, hợp đồng không kỳ hạn có một điểm khác biệt cơ bản.
Khác với futures thông thường, nhà đầu tư có thể duy trì vị thế của mình mãi mãi, không sợ hết hạn và cũng không cần theo dõi thời điểm chuyển giao hàng tháng. Ví dụ, một nhà đầu tư có thể giữ vị thế short mãi mãi trừ khi bị thanh lý. Do vậy, giao dịch hợp đồng tương lai không kỳ hạn khá giống với giao dịch tài sản trên thị trường spot.
Nói ngắn gọn, hợp đồng không kỳ hạn sẽ không thể nào được thanh toán. Do vậy, các sàn giao dịch tiền mã hoá đã tạo nên một cơ chế bảo đảm giá hợp đồng tương lai không đi lệch khỏi chỉ số giá nền tảng của nó. Cơ chế này được gọi là Funding Rate.
Funding rate là gì?
Funding rate là các đợt thanh toán định kỳ cho nhà đầu tư đang long hoặc short dựa trên sự khác biệt giữa giá trên thị trường hợp đồng không kỳ hạn và giá spot. Do vậy, phụ thuộc vào vị thế đang mở, nhà đầu tư hoặc là sẽ phải trả tiền hoặc là sẽ được trả tiền.
Funding rate ngăn không cho giá của hai thị trường tách biệt khỏi nhau mãi mãi. Nó được tính lại nhiều lần mỗi ngày – của Binance Futures thì là mỗi 8 tiếng.
Trên nền tảng Binance Futures của chúng tôi, funding rate (ô đỏ) và đồng hồ đếm ngược đến làn funding tiếp theo (ô trắng) được hiển thị như bên dưới:
Ảnh 1 – Funding rate hiển thị trên nền tảng Binance Futures
Nguồn: Binance Futures
Điều quan trọng cần lưu ý là trên Binance Futures, mức funding rate tối đa là 0,5% bất kể thị trường có biến động thế nào.
Yếu tố nào ảnh hưởng đến funding rate?
Funding rate gồm hai bộ phận: interest rate (lãi suất) và premium (chênh lệch).
Trên Binance Futures, lãi suất được cố định ở mức 0,03% mỗi ngày (0,01% mỗi lần funding), với một số ngoại lệ như là hợp đồng LINKUSDT và LTCUSDT có lãi suất 0%. Trong khi đó, premium biến động tuỳ thuộc vào chênh lệch giá giữa hợp đồng không kỳ hạn và giá đánh dấu.
Trong những lúc thị trường biến động mạnh, giá giữa hợp đồng tương lai không kỳ hạn và giá đánh dấu có thể khác nhau. Trong những lúc này, mức premium sẽ tăng lên hoặc giảm xuống tương ứng.
Giá càng chênh lệch lớn thì premium sẽ càng lớn. Ngược lại, premium thấp chứng tỏ độ chênh lệch giữa hai mức giá là không nhiều.
Khi funding rate là số dương, giá của hợp đồng không kỳ hạn sẽ cao hơn giá đánh dấu, do vậy nhà đầu tư đang long sẽ trả tiền cho bên short. Ngược lại, funding rate âm nghĩa là giá hợp đồng tương lai đang thấp hơn giá đánh dấu, và short phải trả tiền cho long.
Funding rate được trả ngang hàng giữa các trader. Do đó, Binance không lấy phí từ funding rate bởi chúng diễn ra trực tiếp giữa người dùng.
Tác động của nó lên nhà đầu tư là ra sao?
Vì việc tính funding rate có cân nhắc đến mức đòn bẩy sử dụng, cho nên funding rate có tác động lớn đến lời và lỗ của nhà đầu tư. Với đòn bẩy cao, một nhà đầu tư phải trả tiền funding có thể bị lỗ nặng và bị thanh lý vị thế ngay cả khi thị trường ít biến động.
Mặt khác, việc nhận funding có thể giúp sinh ra nhiều lời, đặc biệt là khi giao dịch giữa các vùng kháng cự và hỗ trợ.
Do đó, nhà đầu tư có thể phát triển các chiến lược khác nhau để tận dụng funding rate và kiếm lời kể cả khi thị trường biến động nhẹ.
Về bản chất, funding rate được thiết kế để khuyến khích nhà đầu tư lựa chọn những vị thế mà giữ cho giá hợp đồng tương lai không kỳ hạn tương đồng với giá spot.
Tương quan với tâm lý thị trường
Nhìn lại lịch sử, funding rate thường tương qua với xu hướng chung của tài sản cơ sở. Sự tương quan không có nghĩa là funding rate đang chi phối thị trường spot, mà thay vào đó là điều ngược lại. Đồ thị dưới đây cho thấy mức độ tương quan giữa funding rate với giá spot của BTC trong khoảng thời gian 30 ngày:
Đồ thị 1 – Tương quan giữa funding rate và mức độ thay đổi giá BTC
Nguồn: Binance Futures, dữ liệu lấy từ ngày 20/12/2019 cho đến 20/01/2020.
Như có thể thấy trong Đồ thị 1, funding rate đã gấp đôi khi BTC tăng vào đầu năm. Sự gia tăng của funding rate khuyến khích nhà đầu tư vào các hợp đồng long, từ đó giữ giá song hành với thị trường spot.
So sánh funding rate trong lịch sử giữa các nền tảng phái sinh tiền mã hoá khác nhau
Hiện tại, đang có 7 sàn giao dịch tiền mã hoá lớn cung cấp hợp đồng tương lai không kỳ hạn. Nhìn chung, nhà đầu tư tin dùng các nền tảng có mức funding rate thấp bởi nó có ảnh hưởng lớn lên lời và lỗ. Sau đây là so sánh funding rate giữa các sàn giao dịch lớn:
Đồ thị 2 – So sánh funding rate giữa các nền tảng giao dịch lớn trong vòng 30 ngày
Nguồn: Skew.com, dữ liệu tính từ ngày 21/12/2019 cho đến 21/01/2020.
Nhìn chung, mức funding rate trung bình trên các sàn giao dịch lớn là 0,015%. Như đã đề cập, mức funding này dựa trên thay đổi về giá của tài sản cơ sở.
Theo Skew, funding rate của Binance Futures trong lịch sử thường thấp hơn trung bình toàn ngành, với giá trị là 0,0094%. Ví dụ, một trader chỉ phải trả $9.4 cho vị thế $100,000 trên Binance Futures, trong khi ở các nền tảng khác, con số này có thể cao hơn từ 10-20%.
Làm sao Binance Futures có thể duy trì mức funding rate thấp?
Một trong những lí do chính giúp Binance Futures có thể duy trì mức funding rate thấp là nhờ khả năng chuyển qua lại dễ dàng giữa thị trường spot với futures.
Tiền mã hoá là một thị trường không bao giờ ngủ cả. Do vậy, các cơ hội giao dịch chênh lệch giá luôn luôn tồn tại. Binance Futures cho phép nhà đầu tư chuyển qua lại giữa thị trường spot và futures dễ dàng và nhanh chóng, cho phép họ kiếm lời dựa trên những cơ hội này.
Do vậy, sự chênh lệch giữa giá hợp đồng tương lai và giá đánh dấu luôn luôn được lợi dụng để giao dịch chênh lệch giá, giữ cho sự khác biệt giữa hai mức giá này luôn ở thấp. Dù những biến động dữ dội có thể làm funding rate đột ngột tăng vọt, những trader giao dịch chênh lệch giá sẽ nhanh chóng chớp lấy thời cơ này. Do đó, funding rate sẽ nhanh chóng giảm về mức ổn định.
Trên những sàn giao dịch khác, với hoạt động giao dịch chênh lệch giá bị giới hạn hơn, funding rate thường sẽ cao hơn. Nguyên nhân là vì giới hạn chuyển đổi qua lại giữa thị trường spot và futures. Một số sàn giao dịch còn giới hạn số lượng chuyển tiền tối đa của một ngày.
Tổng kết
Funding rate đóng một vai trò quan trọng trong thị trường hợp đồng tương lai không kỳ hạn. Đa số các sàn giao dịch phái sinh tiền mã hoá đều sử dụng một cơ chế funding rate để giữ cho giá hợp đồng song hành với giá chỉ số ở mọi thời điểm. Mức funding rate này biến đổi khi giá tăng hoặc giảm và phụ thuộc vào nhiều yếu tố thị trường.
Bên cạnh đó, funding rate còn khác nhau tuỳ vào các sàn giao dịch – trên một số sàn, con số này thường xuyên ở mức cao. Trái lại, những nền tảng như Binance Futures duy trì funding rate thấp. Điều này có được đa phần là vì khác biệt về tính tăng giao dịch giữa các sàn. Trên các sàn cho phép chuyển đổi qua lại đơn giản giữa thị trường spot và futures, nhà đầu tư có thể dễ dàng giao dịch chênh lệch giá hơn. Chính vì vậy, sự chênh lệch có thể nhanh chóng bị loại bỏ.