Bắt thóp các mánh lừa đảo: Các khoản đầu tư tiền mã hóa giả mạo cần cảnh giác

0
66

Các nội dung chính

  • Lừa đảo đầu tư giả mạo dùng miếng mồi lợi nhuận cao để khiến nạn nhân mất tiền.

  • Những kẻ lừa đảo thường sử dụng quy trình gồm bốn bước: tìm, chiếm lòng tin, dụ dỗ và chốt.

  • Báo cáo bất kỳ hành vi lừa đảo nào nhắm đến bạn với các cơ quan có liên quan, thay đổi mật khẩu bị xâm phạm và đóng băng mọi tài khoản nếu bạn đã chuyển tiền. 

Hãy bảo vệ bản thân khỏi những trò lừa đảo tiền mã hóa bằng việc tìm hiểu cách xác định và tránh các kế hoạch đầu tư giả mạo. Khám phá điều đó trong bài viết Bắt thóp các mánh lừa đảo tuần này!

Nhìn bề ngoài, những kẻ này có vẻ hợp pháp. Chúng đóng giả là cố vấn tài chính tiền mã hóa, nhân viên của các công ty tài chính hàng đầu hoặc thậm chí là người nổi tiếng. Chúng hứa hẹn lợi nhuận cao với ít hoặc không có rủi ro và bạn không cần nỗ lực gì nhiều. Chúng là những kẻ lừa đảo đầu tư.

Dù xuất hiện dưới nhiều hình thức khác nhau nhưng các vụ lừa đảo đầu tư đều có chung một cơ chế: hứa hẹn với nạn nhân mức lợi nhuận cao ngất ngưởng, rồi cuỗm sạch tiền của họ và bỏ chạy. Có một điều bạn cần nhớ: nếu một thứ nghe quá lý tưởng thì khó mà có thật – và đúng là như thế, nó không có thật đâu! Hãy tránh thật xa ra. 

Để bắt đầu, hãy cùng bóc tách cách lừa đảo đầu tư giả mạo thường diễn ra.

Quy trình bốn bước

1. Tìm kiếm mục tiêu 

Những kẻ lừa đảo thường tìm các mục tiêu tiềm năng trên các nền tảng mạng xã hội phổ biến như Facebook, Instagram hoặc Twitter. Chúng có thể liên hệ với nạn nhân dưới vỏ bọc một nhà quản lý đầu tư đưa ra lời khuyên hoặc một người giàu có “vô tình” nhắn tin nhầm người. 

Tuy nhiên, lừa đảo đầu tư giả mạo không phải lúc nào cũng tiếp cận trực diện như vậy. Mọi người có thể tình cờ bắt gặp các quảng cáo trên mạng xã hội sử dụng một thương hiệu hoặc nhân vật nổi tiếng, chẳng hạn như Elon Musk, để quảng bá dịch vụ của những kẻ lừa đảo. Những quảng cáo này sẽ liên kết đến một trang web có giao diện nhìn có vẻ chuyên nghiệp được thiết kế để chiếm được lòng tin của mọi người.

2. Chiếm được lòng tin

Kẻ lừa đảo bắt đầu xây dựng niềm tin với mục tiêu mới vợt được bằng cách chia sẻ những câu chuyện đầu tư thành công, “lời chứng thực” hoa mỹ của người dùng và báo cáo thu nhập giả mạo. Một số kẻ lừa đảo sẽ đi xa đến mức đánh vào các chủ đề như sức khỏe, sức khỏe tinh thần và thậm chí cả các thành viên trong gia đình nạn nhân. 

3. Dụ dỗ 

Sau một thời gian “làm bạn” — và tẩy não — kẻ lừa đảo đã thiết lập được lòng tin cơ bản với mục tiêu và sẽ hướng cuộc trò chuyện sang việc đầu tư và kiếm được số tiền lớn. 

Đội ngũ của chúng tôi cũng đã thấy các trường hợp những kẻ lừa đảo quảng cáo phần mềm đầu tư giả mạo với giá, lợi nhuận đầu tư và niêm yết coin giả. Hơn thế nữa, kẻ lừa đảo thậm chí có thể tạo ra một xu hướng tăng giá với các biểu đồ bịa đặt để thu hút các nhà đầu tư nạp tiền. 

4. Chốt

Bước cuối cùng là “chốt phi vụ”. Thông thường, ngay khi nạn nhân ăn mừng số tiền mới kiếm được thì đột nhiên họ không thể rút tiền hoặc tài khoản đã bị “đóng”. “Người quản lý đầu tư” trở nên xa cách và cuối cùng ngừng trả lời tin nhắn. 

Ở giai đoạn này, mục tiêu đã là nạn nhân của một vụ lừa đảo. Kẻ lừa đảo thậm chí có thể yêu cầu nạn nhân chuyển thêm tiền để có thể rút tiền. 

Hãy xem hai ví dụ thực tế

Dưới đây là hai ví dụ về lừa đảo đầu tư giả mạo diễn ra trong đời thực. Chúng tôi kể lại những câu chuyện bên dưới với hy vọng rằng người dùng có thể xác định rõ hơn các phương pháp, kiểu mẫu và cách bắt đầu cuộc trò chuyện phổ biến đằng sau các trò lừa đảo đầu tư tiền mã hóa. 

Ví dụ 1: Cố vấn tài chính tiền mã hóa

Người dùng, chúng tôi sẽ gọi là Mark, điền vào một form trên mạng về thói quen và thái độ liên quan đến tiền mã hóa mà anh ấy tìm thấy trên đó. Sau đó, anh ta nhận được một cuộc gọi tư vấn từ một kẻ lừa đảo tự xưng là cố vấn tài chính. 

Hai người phát triển mối quan hệ công việc trong vài tháng, nói chuyện và trao đổi thông tin hàng ngày. Cuối cùng, kẻ lừa đảo chiếm được lòng tin của Mark.

Một ngày nọ, kẻ lừa đảo khuyến khích Mark đầu tư thông qua một nền tảng có thể tạo ra lợi nhuận 2% mỗi ngày. Mark, vì sự tin tưởng mù quáng của mình, đã nạp 5.000 USDT. 

Tiền của Mark tăng lên như đã quảng cáo trong vòng vài ngày tiếp theo. Kẻ lừa đảo khuyến khích Mark đầu tư nhiều hơn; Mark đồng ý và nạp 30.000 USDT. Một tuần sau, Mark nhận ra mình đã bị kẻ lừa đảo cho vào tròng.

Ví dụ 2: Người nổi tiếng 

Người dùng, chúng tôi sẽ gọi là Lucy, phát hiện ra một đường link trên Facebook đến “Nền tảng giao dịch Quantum AI của Elon Musk”. Rõ ràng, tất cả những gì cô ấy cần làm là nạp tiền mã hóa vào và AI sẽ giao dịch hộ cô ấy.

Sau khi liên hệ với “Nền tảng giao dịch Quantum AI”, Lucy nạp khoản ban đầu là 250 USD. Giao dịch bắt đầu và lợi nhuận của cô nhanh chóng tăng dần. Lucy tin chắc rằng việc “đầu tư” 5.000 USD vào nền tảng này sẽ thu được nhiều lợi nhuận và nạp tiền ngay. Lucy nhận ra rằng cô ấy đã bị lừa sau khi bị chặn rút tiền vì lý do “chống rửa tiền (AML)”. Chúng yêu cầu cô phải trả 30% phí nạp thì mới mở khóa được. 

Cách tự bảo vệ bản thân khỏi những trò lừa đảo đầu tư giả mạo

Tự nghiên cứu (DYOR)

Mỗi dự án tiền mã hóa nên có một bản cáo bạch. Bản cáo bạch sẽ giải thích cơ chế và tokenomics của dự án. Nếu ai đó đang dụ dỗ bạn đầu tư vào một dự án có bản cáo bạch vô nghĩa – hoặc tệ hơn là không tồn tại – thì hãy cẩn thận. 

Thực hiện kiểm tra lý lịch công ty, chủ sở hữu, giám đốc và các thành viên trong đội ngũ. Ít nhất, hãy tìm kiếm nhanh trên Google và sử dụng cơ sở lý lẽ thông thường nhất mà bạn có thể nghĩ tới. 

Hãy tự hỏi: Dự án này có một đội ngũ thực sự không? Dự án đang cố gắng giải quyết vấn đề gì? Có một cộng đồng người dùng hợp pháp đằng sau dự án hoặc sản phẩm của nó không? 

Đừng giả định tính xác thực

Các trang web, quảng cáo hoặc bài đăng trên mạng xã hội nhìn có vẻ chuyên nghiệp chưa chắc đã là cơ hội đầu tư thực sự. Tội phạm có thể và thường lợi dụng tên tuổi của các thương hiệu đáng tin cậy, chẳng hạn như Binance hoặc các cá nhân nổi tiếng để khiến các trò gian lận của chúng nhìn có vẻ hợp pháp.

Cảnh giác trước món hời lợi nhuận cao

Không có khoản đầu tư tài chính nào có thể đảm bảo lợi nhuận trong tương lai. Không một người, thuật toán hay dự án nào có thể dự đoán chính xác thị trường một cách có hệ thống. Bất cứ điều gì hứa hẹn lãi suất đảm bảo cho bạn đều cần phải cảnh giác. Đặc biệt, hãy chú ý đến những tuyên bố kiểu “kiếm 3% mỗi ngày”. Đừng để bị lừa bởi một con số thấp và nghe có vẻ hợp lý: 3% mỗi ngày tương đương với 1095% mỗi năm – một tỷ lệ lãi suất đầu tư rõ ràng là không hợp lý chút nào. 

Tránh những lời mời đầu tư không mong muốn

Người được gọi là chuyên gia đầu tư hoặc người độc thân hấp dẫn liên hệ với bạn rất có thể là một kẻ lừa đảo. Bạn không phải là người đặc biệt — những kẻ lừa đảo chuyên nghiệp trò chuyện và tán tỉnh hàng trăm hoặc thậm chí hàng nghìn mục tiêu hàng ngày. 

Miễn là có ít nhất một người đầu tư, kẻ lừa đảo đã không lãng phí thời gian. Đừng để ai đó gây áp lực hoặc thúc ép bạn đưa ra quyết định đầu tư.

Bảo vệ thông tin cá nhân của bạn

Luôn xác minh danh tính của bất kỳ ai nói chuyện đầu tư với bạn trên các trang web chính thức hoặc mạng xã hội và không bao giờ tiết lộ thông tin cá nhân hoặc tài khoản của bạn cho bất kỳ ai. 

Nếu bạn nhận được tin nhắn từ ai đó yêu cầu cung cấp thông tin nhạy cảm, chẳng hạn như mã 2FA hoặc mật khẩu, hãy chặn liên hệ đó và gửi báo cáo cho cơ quan có liên quan.

Nếu bạn đã bị lừa đảo

Điều này vãn thường xảy ra. Đừng cảm thấy xấu hổ. Trở thành nạn nhân của một vụ lừa đảo tiền mã hóa có thể khiến bạn suy sụp nhưng điều cần thiết là bạn phải hành động nhanh chóng. 

Nếu bạn rơi vào bẫy của một vụ lừa đảo trên mạng xã hội, hãy gửi báo cáo lên nền tảng mạng xã hội có liên quan và báo cáo vụ việc với chính quyền địa phương của bạn. 

Thay đổi mật khẩu và đóng băng tài khoản tài chính nếu bạn đã thanh toán hoặc chuyển khoản bằng thẻ ghi nợ/thẻ tín dụng. Ngoài ra, những kẻ lừa đảo tiền mã hóa thường bán thông tin đăng nhập bị đánh cắp cho những tên tội phạm khác. Đảm bảo bạn thay đổi tất cả tên người dùng và mật khẩu để tránh bị tổn thất thêm.

Đừng tin những người lạ tiếp cận bạn ngay sau vụ lừa đảo, đặc biệt nếu họ đề nghị lấy lại tiền cho bạn. Trò lừa đảo tiếp theo có thể độc lập hoặc liên quan đến trò lừa đảo trước đó, chẳng hạn như đề nghị hoàn lại tiền của bạn sau khi bạn trả một khoản phí trả trước.

Nếu tài khoản Binance của bạn bị xâm phạm, hãy liên hệ ngay với chúng tôi: Cách báo cáo lừa đảo trên Hỗ trợ Binance

Đọc thêm

Tuyên bố miễn trừ trách nhiệm và Cảnh báo rủi ro: Nội dung này được trình bày cho bạn trên cơ sở “nguyên trạng” chỉ nhằm mục đích cung cấp thông tin chung và kiến thức giáo dục và không có bất kỳ đảm bảo nào. Nội dung trên đây không nên được hiểu là lời khuyên tài chính, cũng như không nhằm mục đích đề xuất mua bất kỳ sản phẩm hoặc dịch vụ cụ thể nào. Giá tài sản kỹ thuật số có thể biến động. Giá trị khoản đầu tư của bạn có thể giảm hoặc tăng và có thể bạn sẽ không nhận lại được số tiền đã đầu tư. Bạn hoàn toàn chịu trách nhiệm về các quyết định đầu tư của mình và Binance không chịu trách nhiệm về bất kỳ tổn thất nào bạn có thể gặp phải. Đây không phải lời khuyên tài chính. Để biết thêm thông tin, hãy xem Điều khoản sử dụngCảnh báo rủi ro.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây