Nguyên tắc của CZ

0
96

Đây là một tài liệu còn dang dở. Tôi chỉ đang cố gắng ghi lại một vài nguyên tắc mà mình tuân theo. Các nguyên tắc có thể đúng hoặc có thể sai, hầu hết đó chỉ là cách tôi thực hiện/nhìn nhận mọi thứ.

1. Nguyên tắc chung

1.1. Hãy công bằng

Đây là một nguyên tắc rộng bao gồm nhiều khía cạnh trong cuộc sống, từ các mối quan hệ cá nhân, đồng nghiệp cho đến các thỏa thuận kinh doanh. Tôi tin vào việc đối xử công bằng với mọi người. Không lợi dụng người khác và không để người khác lợi dụng bạn. Bạn sẽ không tiến xa được trong cuộc sống nếu bạn không thể cân bằng vấn đề này. Tuy nhiên, nói thường dễ hơn làm. Mọi người đều có thiên kiến và sẽ hơi nghiêng về phía có lợi cho mình, và bạn cần phải chống lại điều đó và cố gắng khách quan nhất có thể.

1.2. Xây dựng mối quan hệ hoặc thỏa thuận lâu dài, đôi bên cùng có lợi

Mọi người hay lạm dụng những từ này và khiến nó mang nghĩa xấu. Nhưng tôi tin vào điều đó. Thành công cần một quá trình dài hơi và để duy trì các mối quan hệ lâu dài lành mạnh, người ta phải tạo ra và gắn kết với các mối quan hệ lâu dài, đôi bên cùng có lợi. Để đạt được một thỏa thuận, cả hai bên đều phải có lợi. Luôn hỏi những gì bên kia muốn nhận lại. 

Các thỏa thuận một chiều thường không bền và bạn luôn phải tìm kiếm các đối tác mới (yếu) để làm việc cùng, và thường chỉ mang về chỉ số ROI sẽ là âm. Thành công ngắn hạn là rất nhỏ. Tôi không ưa những chiến thắng ngắn hạn. Chúng thường có tác động tiêu cực lâu dài. Chúng khiến bạn mất tập trung vào thành công dài hạn cùng chi phí cơ hội tiềm ẩn khá cao.

Hãy nhắm đến mục tiêu dài hạn, những chiến thắng lớn hơn.

Tham gia trò chơi vô cực (https://simonsinek.com/books/the-infinite-game/).

“Chiến thắng ngắn hạn” tôi đang đề cập ở đây là chiến thắng ngắn hạn một lần duy nhất. Không nên nhầm lẫn nó với những chiến thắng lũy tiến hướng tới mục tiêu dài hạn lớn hơn. Chiến thắng dài hạn là rất cần thiết.

1.3. Tránh các mối quan hệ “xấu”

Có những người không có đạo đức/tiêu cực. Những người không có cùng giá trị hoặc sứ mệnh giống bạn. Những người lãng phí rất nhiều thời gian của bạn. Hãy để họ rời đi. Gạt họ ra khỏi cuộc sống của bạn. Và đừng quên một kiểu người chúng ta hay dễ bỏ qua – đó chính là những người gây lãng phí thời gian.

Đó là những người “lắm yêu cầu”, như kiểu bạn bè hay nhiễu sự vậy. Họ lúc nào cũng muốn bạn chú ý, khó chịu vì một điều nhỏ nhặt nào đó, cần nói chuyện với bạn hoặc cần bạn ra rả họ quan trọng/tốt/v.v. như thế nào. Việc đó không có gì sai trái, nhưng tôi (CZ) không thể đáp ứng nổi họ. Tôi chỉ giao thiệp với những người “ít yêu cầu” và tự tin.

Có những kiểu người “thích tán gẫu”. Một lần nữa, việc đó không có gì sai trái. Nhưng ở giai đoạn này của cuộc đời, tôi không có thời gian để tán gẫu. Tôi cũng tránh những kiểu người này. Hãy dành việc tán gẫu cho sau này.

1.4. Đạo đức

Đừng bao giờ vượt qua ranh giới đạo đức. Điều đó sẽ khiến bạn phải trả giá.

Khi làm việc với người dùng, hãy luôn làm điều đúng đắn chứ không phải điều dễ dàng nhất. 

1.5. Tập trung

Thành công không đến từ việc bạn làm bao nhiêu thứ. Nó xuất phát từ việc bạn làm tốt một vài thứ đã chọn đến mức nào. Tập trung giúp bạn chăm chỉ làm việc. Loại bỏ những điều gây sao lãng khỏi cuộc sống của bạn. 

Với bản thân tôi, tôi không có nhiều sở thích. Tôi tập thể dục 30 phút mỗi ngày. Tôi không có nhiều tài sản vật chất cần phải bảo trì. Chi phí thời gian là rất cao. 

Rủi ro tiềm ẩn cho điều này là sự tập trung quá hẹp khiến bạn bỏ lỡ cơ hội. Nhưng trong thế giới quá tải thông tin ngày nay, điều đó hầu như không xảy ra.

1.6. Tích cực

Tất cả chúng ta đều phải đối mặt với nhiều thách thức trong cuộc sống, có thể là mối quan hệ với gia đình và bạn bè hoặc các vấn đề trong công việc. Có một thái độ tích cực thường tạo ra kết quả tích cực. Tôi không chắc chính xác tại sao, chỉ là thế giới này vận hành như vậy.

Một câu nói đã khắc sâu trong đầu tôi và giúp tôi rất nhiều trong những năm qua.

“Bạn làm gì khi bước chân đến điểm tận cùng của một thung lũng? Chỉ cần tiếp tục bước đi, và bạn sẽ thoát khỏi đó.”

Ngoài ra, nếu bạn biết mình đang làm điều có đạo đức, mọi thứ tiêu cực sẽ biến mất. Bạn sẽ có nguồn năng lượng tích cực. Đó là một trong những lợi ích chính của việc sống có đạo đức.

1.7. Dám làm dám chịu 

Tâm lý vững vàng là yếu tố tiên quyết dẫn đến thành công trong cuộc sống. Có trách nhiệm và tự hào về những gì bạn làm. 

Đừng chỉ làm nhiệm vụ. Đừng chỉ đặt gạch lên một bức tường. Hãy là người xây dựng thánh đường. Nếu bạn không nghĩ rằng bạn đang “xây dựng thánh đường”, bạn nên tìm một công việc khác.

Nếu bạn định làm điều gì đó, hãy quyết tâm đến cùng. Hãy nghĩ xem bạn cần làm gì khác để cải thiện công việc dù người khác không bảo bạn làm. Chịu trách nhiệm về kết quả và hậu quả, thành công hay thất bại. Nếu bạn áp dụng tư duy này, kết quả công việc của bạn sẽ cải thiện một cách kỳ diệu và bạn sẽ tiến nhanh hơn trên con đường đến với thành công.

1.8. Không ngừng học hỏi

Thế giới đang phát triển. Bạn phải học hỏi không ngừng. Hãy đọc sách. Sống ở các thành phố khác nhau. Có một thế giới quan.

Tôi thường không đọc tin tức. Tôi thấy chúng ta rất dễ bằng lòng với nội dung của các bài báo dài 10 phút, nhưng chúng không đi sâu vào vấn đế và cũng chẳng còn gì đọng lại sau khi đọc.

Khi tôi đọc sách, nó sẽ đi sâu vào chi tiết, những lý do đằng sau, các ví dụ và sau 8 giờ đọc, tôi nhớ được một số khái niệm mới. Tôi thấy sách có chỉ số ROI cao nhất về khả năng cải thiện bản thân. Tôi mua rất nhiều sách, khoảng 300 cuốn mỗi năm, nhưng không đọc hết chúng. Tôi đọc hết khoảng 80 cuốn sách mỗi năm.

Tôi cũng cố gắng viết mỗi ngày một chút. Có thể là một bài đăng trên blog, hoặc một bài viết (như bài này chẳng hạn). Viết lách giúp tôi củng cố suy nghĩ của mình và sắp xếp chúng tốt hơn.

2. Hiểu thế giới

Hiểu rõ cách thức vận hành của thế giới là rất quan trọng nếu một người muốn đạt được thành công ở bất kỳ mức độ nào.

Để biết con người hoạt động như thế nào, hãy đọc Lược sử loài người. Chúng ta đang sống trong thế giới loài người. Mỗi người đều có một phiên bản thế giới khác nhau trong đầu họ. Tức là mọi người đều sống trong những thế giới khác nhau. Hiểu thế giới của họ.

Đừng giữ quá nhiều quan điểm thuần đen-trắng. Thế giới hiếm khi là hệ nhị phân. Nhiều người có cái nhìn quá đơn giản về thế giới. Điều này ít khi giúp họ thành công. Hãy có cái nhìn sâu sắc hơn về mọi thứ. Trong đời thực, hầu hết mọi thứ đều cân bằng.

Ví dụ, một số người có quan niệm ngây thơ rằng mọi quy tắc đều tốt đẹp. Các quy tắc được tạo ra bởi con người, và không phải lúc nào cũng hoàn hảo. Đọc các sách: Luật pháp (1850), Hiểu kinh tế học trong một bài học, v.v.

Đồng thời cũng nên hiểu rõ những hạn chế trên thế giới. Chúng ta không sống trong một thế giới hoàn hảo.

Đừng chiến đấu trong cuộc chiến mà bạn sẽ không thể thắng. Chỉ cần tránh đi. Tới chỗ khác. Làm việc khác. Có vô vàn việc để làm trên thế giới này. Tập trung vào những đóng góp tích cực mà bạn có thể thực hiện.

3. Khung đưa ra quyết định

Đưa ra quyết định đúng đắn là một kỹ năng có thể luyện tập được. Dù là một quyết định nhanh hay một quyết định cần được cân đo đong đếm, tôi đều áp dụng khung đưa ra quyết định trong đầu này .

3.1. Nguyên tắc đầu tiên

Nếu một quyết định vi phạm một trong những nguyên tắc cốt lõi, hãy tuân thủ nguyên tắc đó. Đơn giản là vậy. Nếu không, hãy bỏ qua khung đưa ra quyết định.

3.2. Nhỏ hay Lớn

Điều đầu tiên cần xác định là quy mô hoặc tác động của quyết định. 

Quyết định nhỏ, thực hiện nhanh chóng hoặc ủy thác rồi chuyển sang việc khác. Ví dụ như đi ăn tối ở đâu, hoặc một khoản đầu tư nhỏ.

Với quyết định lớn, cần thu thập dữ liệu, thảo luận nhóm và suy nghĩ về nó trong 24 giờ. Ví dụ như các khoản tài trợ, đầu tư lớn, v.v.

3.3. Điều có thể đảo ngược vs Kết quả vĩnh viễn

Một số quyết định có thể đảo ngược, chẳng hạn như phát triển một tính năng sản phẩm mới. Bạn luôn có thể dừng bất cứ lúc nào và làm việc khác hoặc tắt tính năng đi sau khi hoàn tất. Có một số chi phí ẩn về thời gian và năng lượng cho các quyết định này nhưng chúng sẽ có giới hạn nhất định.

Một số quyết định không dễ dàng để đảo ngược, chẳng hạn như khoản trả trước lớn cho một thỏa thuận tài trợ, mua bán và sát nhập một công ty lớn vào đội ngũ của mình, v.v.

3.4. Tôi có chuyên môn không?

Nếu đó là thứ tôi biết rõ hoặc nắm được thông tin cơ bản, những thứ như công nghệ, sản phẩm, thì tôi có thể đưa ra quyết định nhanh hơn. Trong những lĩnh vực tôi không biết rõ, như marketing, tôi sẽ phải ủy quyền/nhờ các chuyên gia khác hoặc đưa ra quyết định cẩn trọng hơn.

3.5. Thông tin đầy đủ

Điều cuối cùng cần hỏi là liệu tôi/chúng ta có đủ thông tin không. Đối với những quyết định nhỏ, tôi không cần quá nhiều thông tin. Đối với những quyết định lớn, chúng ta nên cố gắng nắm được những thông tin cần thiết hết mức có thể. Nhưng đến cuối, chúng ta vẫn thường phải đưa ra quyết định với lượng thông tin hạn chế.

Cuối cùng: việc đưa ra quyết định sau đó thực hiện sẽ tốt hơn nhiều so với việc không đưa ra quyết định.

4. Nhóm và Tổ chức

4.1. Đặt nhóm lên trên bản thân

Cá nhân làm tốt trong một nhóm hoạt động kém thường hiếm khi tạo được kết quả cá nhân tốt. Điều ngược lại thường đúng. Nếu một nhóm hoạt động tốt, mọi thành viên, kể cả những người đang gặp khó khăn, đều được hưởng lợi.

Đội nhóm nên được đặt lên hàng đầu, đó cũng là kết quả cá nhân dài hạn tốt nhất cho mọi thành viên. Trong ngắn hạn, bạn có thể phải “một người vì mọi người” trong nhiều trường hợp khác nhau, nhưng về lâu dài, bạn sẽ được hưởng lợi.

4.2. Thường xuyên xáo trộn đội ngũ của mình

Đừng để tổ chức trở nên cũ kỹ. Tăng cơ hội phát triển cho các lãnh đạo mới. Nhanh chóng khắc phục lỗi “ngồi nhầm vị trí” (cũng có thể làm tăng vấn đề này, nhưng…)

Cấu trúc nhóm quyết định kiến trúc hệ thống. Đọc cuốn sách Cấu trúc nhóm (Team Topologies). Chúng ta không muốn phần mềm của mình trở nên cũ kỹ, vậy nên, chúng ta cũng cần thay đổi cấu trúc đội ngũ mình thường xuyên.

4.3. Cạnh tranh nội bộ là tốt

Sẽ luôn có sự cạnh tranh (bên ngoài), một chút cạnh tranh nội bộ là tốt. Nhưng cần phải chuyên nghiệp trong vấn đề này.

4.4. Hỗn loạn có kiểm soát là một dạng cấu trúc

Điều này hơi phản trực giác để giải thích. Chúng ta hãy nhìn vào hai đầu cực đoan của hỗn loạn và cấu trúc. Hỗn loạn hoàn toàn là xấu, điều này dễ hiểu thôi. 

Nhiều người có xu hướng nghĩ rằng một tổ chức càng có cấu trúc thì càng tốt. Tôi không đồng ý với điều này. Một cấu trúc rõ ràng thì có nhiều lợi ích, bao gồm việc phân định rõ ràng quyền lực và trách nhiệm, ít chồng chéo hoặc lãng phí năng lượng, v.v. Nó thường hỗ trợ tổ chức hoạt động hiệu quả hơn. Nhưng điều mà hầu hết mọi người không nghĩ đến là cấu trúc thường chỉ giúp tổ chức thực hiện một việc hiệu quả mà thôi. (Trên thực tế, từ “tổ chức”ngụ ý cho cấu trúc và tối ưu hóa cho một việc.) Phiên bản cực đoan nhất của tổ chức quá mức là thói quan liêu. Trong quá trình phát triển, chúng ta cần liên tục nhắc nhở bản thân không để chạm tới mức đó.

Khi thế giới thay đổi, một tổ chức có cấu trúc chặt chẽ sẽ đòi hỏi nhiều nỗ lực hơn để thích ứng. Thế giới thay đổi thường xuyên, đặc biệt là trong một ngành non trẻ như ngành của chúng ta. Trong một tổ chức có cấu trúc chặt chẽ, ít có sự đổi mới tự thân, ít cạnh tranh nội bộ (hoặc áp lực cải tiến không ngừng). Ở một quy mô nhất định, việc ra quyết định từ trên xuống trở nên kém hiệu quả hơn.

Điều này không có nghĩa “hỗn loạn” là tốt hơn. Cần có cân bằng ở một điểm nào đó. Chúng ta đang sống và làm việc trong một thế giới không ngừng thay đổi, một ngành mới mẻ. Ngành chúng ta định nghĩa lại nhiều khái niệm truyền thống, chẳng hạn như trụ sở, công ty, đội ngũ và thậm chí cả tiền bạc. Do chúng ta làm việc từ xa và trên toàn cầu, nhiều cấu trúc truyền thống sẽ không phù hợp. 

Đồng thời, chúng ta cần có sự kiểm soát mạnh mẽ trong nhiều mặt. Chúng ta xử lý tiền của người dùng. Cần phải giữ tính bảo mật, tuân thủ, đạo đức và trung lập. Chúng ta hoạt động trong một môi trường thượng tôn pháp luật. Việc tuân thủ là tối quan trọng. Một môi trường hỗn loạn có kiểm soát đòi hỏi những người giỏi nhất, những người có đam mê và trách nhiệm. Làm thế nào để tìm ra điểm cân bằng này là một thách thức không ngừng để chúng ta cải thiện bản thân. Điểm mấu chốt là đôi khi sự hỗn loạn cũng là một nét đặc trưng.

4.5. Thường xuyên tổ chức Team Building tại chính nơi đội ngũ được đặt

Chúng ta nên đặt mục tiêu mỗi tháng một lần và có thể nó sẽ thường biến thành 2 tháng một lần trong thực tế vì lịch trình chồng chéo của các thành viên, v.v.

Cùng tổ chức bữa ăn cùng nhau là cách gắn kết đội nhóm tuyệt vời nhất. Chỉ là mọi người tập trung lại ăn một bữa. Điều đó đơn giản và hiệu quả.

Làm điều đó với các đội ngũ ngay tại nơi mọi người làm việc, sinh sống và giao lưu thêm với các đội ngũ, phòng ban khác. Tôi thường không thích việc bay đi bay lại để tham gia buổi team building, nó quá đắt và quá tốn thời gian. Tôi không muốn tạo nếp suy nghĩ rằng chúng ta cho mọi người bay vòng vòng để “đi nghỉ dưỡng”. Đối với các đội ngũ nhỏ và phân tán, có thể làm một dịp ngoại lệ khoảng 18 tháng một lần, lý tưởng nhất là gộp chung vào chuyến đi hoặc sự kiện sẵn có.

4.6. Đóng góp Feedback

Tôi đưa ra feedback (phản hồi) trực tiếp bất cứ khi nào và bất cứ nơi nào ý tưởng xuất hiện, trong các cuộc thảo luận 1: 1 hoặc trong các nhóm lớn. Tôi học được điều này từ cuốn sách về Netflix(Phá bỏ nguyên tắc để bứt phá). Trên thực tế, tôi thích đưa ra phản hồi trong các nhóm lớn hơn, để những người khác cũng có thể học hỏi và tôi không phải lặp lại nhiều lần.

Nhiều người nói với tôi rằng họ đã bị sốc vài lần đầu tiên khi nhận được phản hồi như vậy, nhưng dần dà cũng quen.

Tôi muốn xây dựng văn hóa phản hồi thẳng thắn trong Binance. Tôi cảm thấy 99% mọi người không phản hồi với người khác đủ nhiều. Do làm việc từ xa, chúng ta không nhận được phản hồi về ngôn ngữ cơ thể trong các cuộc họp vật lý. Chúng ta phải bù đắp điều này bằng cách đưa ra phản hồi trực tiếp và thẳng thắn.

Bridgewater (Ray Dalio) có hệ thống phản hồi DOT mà tôi rất thích. Chúng ta sẽ tìm cách áp dụng nó trong tương lai.

4.7. Không khen ngợi bằng lời nói quá nhiều

Nếu bạn làm tốt điều gì đó, bạn có thể nghe được từ những người khác những câu kiểu “làm tốt lắm, rất tuyệt vời, v.v.”. Có lẽ không quá nhiều từ tôi. Ngược lại, khi bạn làm điều gì đó không tốt, nếu tôi phát hiện được, rất có thể bạn sẽ nghe tôi nói gì đó đấy.

Lý do của tôi là: 1. Chúng ta giữ các tiêu chuẩn cao, chúng ta mong đợi sự xuất sắc, kết quả tốt phải là tiêu chuẩn. Nếu quá chú trọng đến mỗi thành tích “nhỏ”, có vẻ như chúng ta đang đặt tiêu chuẩn khá thấp. Đó không phải là điều chúng ta muốn làm.

2. Làm việc từ xa, tôi không thấy tất cả các chiến thắng từ tất cả các nhóm. Tôi sẽ không thể bao quát mọi thứ. Nếu tôi chúc mừng một số người nhưng những người khác thì không, điều đó sẽ tạo ra sự mất cân bằng tâm lý hoặc cảm giác thiên vị. Còn việc phê bình thì không như vậy, tôi đưa ra phản hồi trực tiếp mang tính xây dựng về những điều tôi thấy. Những người khác sẽ không phàn nàn về việc thiên vị.

3. Sự hài lòng nên đến từ bên trong. Khi tôi làm tốt điều gì đó, phần thưởng nội tại bên trong tôi đã là quá đủ.

4. Việc đó không hiệu quả về mặt thời gian. Một khi điều gì đó đã được hoàn thành tốt, chúng ta nên tập trung vào việc tiếp theo. 

Tôi không nói đây là một hướng tiếp cận tốt, đó chỉ là cách tôi làm việc. Tôi thực sự nghĩ rằng nên cho cả “cà rốt” chứ không chỉ mỗi “cây gậy” có lẽ là một hướng tiếp cận tốt hơn, nhưng tôi chưa tìm ra cách thực hiện điều đó một cách hiệu quả, trong một môi trường phân tán.

Các nền văn hóa khác nhau cũng có những kỳ vọng khác nhau. Sách Bản đồ văn hóa có giải thích rõ điều này. Người Mỹ thường có văn hóa hay khen hơn, trong khi người châu Á lại thiên về văn hóa “cho roi cho vọt”.

Việc điều chỉnh lại phần thưởng của họ vào kỳ đánh giá tiếp theo mang lại hiệu quả lớn hơn. Do đó, tôi có trao “cà rốt1′, chỉ là không quá nhiều bằng lời nói.

4.8. Báo cáo vs Đồn đại

Việc báo cáo là một phần của công việc kinh doanh thông thường, và cách chúng ta báo cáo cũng có lúc đúng hoặc sai. 

Đồn đại là khi bạn phàn nàn 1:1 với tôi về người khác nhưng không nói với người kia về điều đó. Việc đồn đại là xấu. Tôi không xử lý tin đồn. Tôi sẽ phớt lờ chúng. Trên thực tế, khi bạn làm điều này với tôi, tôi sẽ tính một điểm tiêu cực ở bạn (chứ không phải họ).

Báo cáo là khi bạn đặt một cuộc gặp 3 bên với CZ, bạn và người bạn muốn phàn nàn. Lúc này, tôi có thể cùng lúc nghe cả hai mặt của câu chuyện.

Quan trọng hơn, bạn buộc phải có một cuộc trò chuyện thẳng thắn với bên kia trước khi bạn nói chuyện với tôi.

Tôi chỉ cần một cuộc họp để giải quyết việc báo cáo đó. Còn với việc xử lý tin đồn, tôi cần có nhiều cuộc trò chuyện 1:1 qua lại. Và bạn thì biết tôi cảm thấy thế nào về thời gian (để sau đi).

Hãy chọn cách báo cáo, chứ đừng chọn tin đồn. Tôi biết điều này khá khó, nhưng việc có thể trình bày một cách chuyên nghiệp tại sao bạn không hài lòng về ai đó hoặc điều gì đó là một trong những kỹ năng quan trọng để thành công. Đừng quá yếu mềm nhưng cũng đừng cứng rắn quá. Tìm kiếm điểm cân bằng phù hợp là rất quan trọng.

4.9. Loại bỏ người kém nhất

Tôi tin vào nguyên tắc “loại bỏ người kém nhất”. Tôi đã đọc nhiều lập luận chống lại việc xếp hạng cứng nhắc, những nguyên tắc không thể tạo ra cạnh tranh nội bộ, v.v. Những cách làm ấy có nhiều ưu điểm, nhưng tôi không tin rằng chúng đạt được sự cân bằng tốt nhất. 

Theo kinh nghiệm của tôi, những người có hiệu suất cao thích làm việc với những người tương tự mình. Khi một nhóm những người có hiệu suất cao làm việc tốt với nhau, bản thân công việc sẽ trở thành chất gây nghiện. Khi bạn có một người hiệu suất kém lẫn vào nhóm, mọi thứ sẽ bị phá hủy. Loại bỏ người kém nhất ra.

Tôi cũng tin tưởng vào nguyên tắc “là đội ngũ làm việc, chứ không phải gia đình” được mô tả trong cuốn sách “Phá bỏ nguyên tắc để bứt phá”. Nghe thì không hay lắm, nhưng một tổ chức có hơi khác một gia đình. Chúng tôi quan tâm đến nhau nhưng chúng tôi sẽ không gánh những người có hiệu suất kém bên mình, vì đó không phải trách nhiệm của các thành viên còn lại.

5. Tuyển dụng

Luôn luôn tuyển dụng những người giỏi nhất. Muốn giành chiến thắng, bạn cần phải gia nhập một nhóm mạnh. Tuyển dụng cấp dưới, đồng cấp và cả cấp trên của bạn. Tuyển dụng sếp cho chính mình là một trong những cách tốt nhất để thăng tiến trong sự nghiệp và thể hiện độ trưởng thành cao của bạn.

5.1. Đam mê 

Đam mê là một trong những yếu tố quan trọng nhất mà tôi tìm kiếm. Chúng ta làm việc từ xa. Chúng ta không thể (và không nên) quản lý vi mô. Những người không có đam mê sẽ chùng xuống và bị loại trừ. Hãy tuyển dụng người xây dựng thánh đường.

5.2. Tuyển dụng người có khát khao

Hãy tuyển dụng những người sẽ phát triển phù hợp với vị trí, chứ không phải một người từng đảm nhận vị trí đó. Dù kinh nghiệm trước đây chắc chắn sẽ giúp ích trong nhiều tình huống nhưng điều kiện tiên quyết của một số vị trí là tính tuân thủ, vậy nên những người đã từng đảm nhận vị trí đó sẽ cảm thấy nhàm chán. Việc có kinh nghiệm cũng thường đi kèm lối “tư duy cố định”, vì mọi người thường bị dập khuôn bởi những kinh nghiệm trước đây của mình.

5.3. Người hay làm vs Người hay nói

Hãy thuê những người hay làm có khả năng thể hiện bản thân chứ không phải những người hay nói mà không biết làm. Tuy nhiên, cả những người hay làm nhưng không thể ăn nói trôi chảy cũng là điểm khá thách thức, những người này có thể vẫn ổn trong một số tình huống kỹ thuật nhất định, nhưng chúng ta cũng không thể có quá nhiều người như vậy trong nhóm.

5.4. Tuyển dụng người có mục tiêu

Mỗi người mới phải có trách nhiệm rõ ràng, lý tưởng nhất là với những mục tiêu thể hiện qua con số tham vọng với khoảng 70% cơ hội thành công.

5.5. Không chức danh

Đừng thuê những người quá quan tâm đến chức danh. Đây không phải là một điều gây phá vỡ thỏa thuận, nhưng chắc chắn không phải là một dấu hiệu tốt.

5.6. Sứ mệnh hơn tiền bạc

Đừng thuê những người quá chú trọng vào tiền lương và thưởng. Chúng ta nên trả lương cho mọi người một cách công bằng.

5.7. Nếu nghi ngờ, đừng tuyển dụng.

Nếu bạn có nghi ngờ trong quá trình tuyển dụng, đừng tuyển nữa. Những nghi ngờ nhỏ trong giai đoạn phỏng vấn luôn biến thành vấn đề lớn trong tương lai.

6. Phong thái lãnh đạo

6.1. Đừng cố gắng thúc đẩy những người không có động lực tự thân

Việc đó giống như kéo một con ngựa chết vậy. Hoàn toàn không thể. Và cũng không đáng. Thúc đẩy những người không có cùng giá trị hay sứ mệnh như bạn hoặc không thích bạn với tư cách là người lãnh đạo hay lười biếng cũng là một điều không thể. Hãy để họ làm việc ở một nơi khác. Một người có thể được thúc đẩy hoặc không. Chỉ nên làm việc với những người có động lực tự thân.

Chúng ta làm việc từ xa. Thật dễ dàng cho những người lười biếng buông lơi công việc vì không ai theo dõi họ. Nhưng trong cái rủi cũng có cái may. Người ta có thể buông lơi công việc trong một ngày, một tuần hoặc thậm chí có thể một tháng. Nhưng sau một vài tháng, họ sẽ không có kết quả công việc và bạn sẽ biết ngay. Làm việc từ xa thực sự giúp bạn dễ dàng xác định được những người lười biếng theo thời gian. Hãy loại bỏ những người không có động lực ra khỏi nhóm của bạn ngay khi bạn xác định được họ.

6.2. Không bao giờ quản lý vi mô

Việc quản lý vi mô tốn nhiều thời gian hơn là tự mình thực hiện công việc. Nếu bạn cần quản lý vi mô, bạn nên để người đó đi.

6.3. Tiêu chí “Đủ điều kiện” chỉ để phỏng vấn, sau đó phải dựa vào kết quả

Chỉ sử dụng “số năm kinh nghiệm” trong quá trình tuyển dụng. Sau khi một người đã gia nhập nhóm, hãy sử dụng kết quả để đo lường hiệu suất.

6.4. Nên làm: Làm việc chăm chỉ, bám sát các giá trị của chúng ta và dẫn dắt bằng cách làm gương.

7. Mục tiêu, OKR/KPI

Sử dụng số liệu đầu ra (người dùng, doanh thu, thị phần) chứ không phải số liệu đầu vào (nhiệm vụ, bài viết, cuộc họp, giờ làm việc).

7.1 Đừng quá coi trọng mục tiêu

Có nhiều nhược điểm tiềm ẩn trong các mục tiêu hoặc việc thiết lập mục tiêu. Điều này đã được viết nhiều rồi. Tôi sẽ không đi vào chi tiết. Bao gồm: cảm giác thất bại khi bạn không thể đạt được mục tiêu, không làm việc chăm chỉ sau khi đạt được mục tiêu dễ dàng, phương hướng không linh hoạt, v.v.

Vấn đề lớn nhất của tôi với các mục tiêu là: 1. Chúng không bao giờ chính xác, hoặc khoa học. Mục tiêu luôn là phỏng đoán ngẫu nhiên. Trong ngành của chúng ta, các điều kiện thị trường thay đổi quá nhanh. 2. Tốn quá nhiều thời gian (quý giá) để thảo luận về các mục tiêu.

Vì những lý do này, hãy đặt mục tiêu, làm việc để đạt được nó, đặt mục tiêu mới nếu bạn đã thành công. Đừng quá coi trọng mục tiêu. Đừng quá cứng nhắc với nó.

Một ví dụ để kết thúc chủ đề này. Khi Binance mới bắt đầu, chúng ta đặt mục tiêu nằm trong 10 sàn giao dịch hàng đầu thế giới trong 3 năm. Chúng ta đã trở thành sàn giao dịch SỐ MỘT thế giới trong vòng 5 tháng. Chúng ta không dừng lại.

8. Thỏa thuận kinh doanh

8.1. Giữ các thỏa thuận đơn giản

Các thỏa thuận phức tạp với nhiều biến số thường không thành công, ngay cả khi chúng đã được ký kết. Những thỏa thuận phức tạp thật khó hiểu. Thường có sự nhầm lẫn hoặc hiểu sai. Một bên luôn cảm thấy khó khăn và muốn thay đổi điều gì đó. Giữ các thỏa thuận đơn giản: bên A cung cấp cái này và nhận cái kia; bên B cung cấp cái này và nhận cái kia.

8.2. Nói “Không” sớm 

Vô số người lãng phí quá nhiều thời gian vào những cuộc thảo luận “quan hệ đối tác” vô ích. Khi tâm trí của bạn dành phần lớn cho những cuộc thảo luận vô bổ này, bạn sẽ không nghĩ đến những mối quan hệ hợp tác hữu ích.

8.3. Không độc quyền

Mối quan hệ đôi bên cùng có lợi lâu dài không cần tính độc quyền. Những người yêu cầu độc quyền thường không tự tin về khả năng cạnh tranh hoặc giá trị mà họ có thể cung cấp, ít nhất là trong dài hạn. Trong những trường hợp này, kế hoạch bồi thường ngắn hạn (hoặc một lần) có thể phù hợp hơn. Nhưng bạn hiểu quan điểm của tôi mà, đừng dành quá nhiều thời gian cho những giao dịch ngắn hạn. Thế giới thay đổi quá nhanh nên đừng để bị cùm chân bởi bạn không thể đoán trước được tương lai.

Không nên ký hợp đồng độc quyền. Đừng tự cùm mình lại. Đừng mong đợi những người khác sẽ bị cùm chân.

8.4. Chấm dứt hợp đồng

Luôn có điều khoản chấm dứt trong hợp đồng. Bạn cần một cách để thoát ra khỏi những mối quan hệ không đôi bên cùng có lợi. Luôn có sự lựa chọn. Nhiều người nghĩ tới những trường hợp trung bình (thường là lạc quan) trong giai đoạn hợp đồng, đó là một sai lầm. Hãy nghĩ đến trường hợp xấu nhất. Đó là lý do vì sao cần có hợp đồng.

8.5. Luôn đặt trách nhiệm hữu hạn

Không bao giờ ký các hợp đồng có thể dẫn đến trách nhiệm pháp lý lớn hoặc “vô hạn”. Hãy nghĩ về các tình huống xấu nhất trong giai đoạn hợp đồng, không phải là “trường hợp bình thường/tốt nhất”.

8.6. Không có trường hợp đặc biệt

Không bao giờ cung cấp cho một khách hàng một thỏa thuận riêng mà những người khác không được. Luôn đối xử bình đẳng với tất cả các khách hàng. 

9. Phát triển kinh doanh thụ động, việc dễ làm trước

Tôi (CZ) thường áp dụng cách tiếp cận thụ động trong việc phát triển kinh doanh cũng như trong cuộc sống nói chung. Mọi người thường không hiểu khía cạnh này của tôi, hoặc không biết điều này hoạt động như thế nào. 

Đừng nhầm lẫn điều này với niềm đam mê. Tôi rất đam mê những gì tôi/chúng ta làm nhưng thụ động trong cách tôi tiếp cận người khác, quan hệ đối tác kinh doanh, v.v.

Tôi không đuổi theo những thứ hào nhoáng. Trong việc phát triển kinh doanh, tôi thường không theo đuổi những khách hàng hoặc đối tác lớn. Cần rất nhiều năng lượng và thời gian để dạy họ về tiền mã hóa, chỉ dẫn tỉ mẩn cho họ về pháp lý nội bộ, quy trình thông qua hội đồng quản trị để đạt được một thỏa thuận. Thời gian chuyển đổi quá lâu. Và họ thường yêu cầu các điều khoản thiếu công bằng. Chỉ số ROI ở đây thấp.

Thay vào đó, tôi muốn dành thời gian làm việc với những công ty hàng đầu tự tìm đến với mình. Họ đã có sẵn ý định muốn tham gia vào tiền mã hóa, muốn làm việc với chúng ta, chúng ta chỉ cần tìm cách làm việc chung và các điều khoản thỏa thuận. Chỉ số ROI lúc này cao hơn nhiều. Mặc dù họ có thể không phải là Apple hay Google nhưng nếu chúng ta liên tục tạo ra những chiến thắng nhỏ, các đối tác lớn sớm hay muộn cũng sẽ tìm tự tìm đến, phần lớn là vậy.

Các ví dụ khác bao gồm: Tôi không lãng phí thời gian để thuyết phục những người đã quyết định rằng họ không thích tiền mã hóa, như Warren Buffett. Tôi nói chuyện với những người muốn học hỏi ngay cả khi họ có thể không nổi tiếng.

Tôi không đến thăm các quốc gia hoặc chính phủ có cái nhìn tiêu cực về tiền mã hóa. Tôi đến thăm những quốc gia muốn áp dụng tiền má hóa và giúp đỡ họ ngay cả khi đó là những quốc gia nhỏ.

Về bản chất, hãy làm việc với những thỏa thuận mà chúng ta có thể chốt được.

Đừng nhầm lẫn điều này với tâm lý “ngắn hạn”. Hầu hết các giao dịch dễ ăn này, mặc dù có thể không phải với 10 công ty nổi tiếng nhất thế giới, vẫn là dài hạn.

Có một số lưu ý với hướng tiếp cận này.

Chúng ta cần phải đủ tốt để người khác muốn tìm đến chúng ta. May mắn thay, Binance đang ở vị trí này. Chúng ta cần duy trì điều đó. Tôi đã có tâm lý này ngay cả trước khi Binance thành công nhưng rõ ràng là sau này càng dễ áp dụng hơn.

Chúng ta cần phải chọn lọc tốt. Luôn có nhiều yêu cầu tìm đến, đặc biệt là với vị thế của Binance ngày nay. Lựa chọn các yêu cầu tốt nhất không phải là dễ dàng như ta nghĩ. Một lần nữa, nhanh chóng đạt được thỏa thuận cốt lõi là hướng tiếp cận của tôi.

Dù nói vậy nhưng đôi khi chúng ta vẫn cần tiếp cận cộng đồng, đề phòng đối phương cũng có tâm lý “bị động”. Hãy làm hoạt động tiếp cận cộng đồng của chúng ta thật cụ thể và rõ ràng, sau đó, nếu họ không phản hồi thì chúng ta biết rằng họ không có hứng thú.

Trong cuộc sống cũng vậy, tôi không cố gắng gặp gỡ những người quá nổi tiếng. Tôi tương tác với những người đến với mình.

10. Phong cách làm việc – Không lãng phí thời gian

Thời gian là một nguồn tài nguyên hạn chế hơn tiền bạc. Đừng lãng phí nó. Khi bạn bắt đầu coi trọng thời gian, tiền bạc sẽ đến.

10.1. Nói “Không” sớm và thường xuyên

Công cụ hiệu quả nhất để tiết kiệm thời gian là nói “Không”. 

Ai đó muốn thảo luận về một quan hệ đối tác “quan trọng” nhưng mơ hồ, tôi nói không. Ai đó mời tôi đi gặp một người nổi tiếng nào đó nhưng không có mục đích rõ ràng, tôi nói không. Ai đó mời tôi đến một buổi triển lãm tranh nghệ thuật, tôi nói không. Ai đó mời tôi xem F1, tôi nói không. Một trận đấu bóng đá, không… Tôi có đi dự những sự kiện này với bạn bè. Nhưng câu trả lời mặc định là không. 

Bằng cách này, tôi tiết kiệm thời gian cho những việc quan trọng hơn ngay cả khi tôi chỉ ở trong phòng khách sạn một mình. Tôi phải suy nghĩ và tập trung tâm trí vào những điều quan trọng hơn, như thực hiện bài viết này chẳng hạn.

11. Giao tiếp

11.1. Hãy ngắn gọn và trực tiếp 

Luôn nếu rõ ý định hoặc mục tiêu của bạn. Bạn muốn gì? Nói “Tôi muốn…” trước khi bắt đầu giải thích chung. Bên kia có thể đồng ý với bạn và thế là bạn sẽ không phải giải thích.

11.2. Viết súc tích 

Hãy đọc cuốn sách Viết tốt. Tôi ghét khi thấy mọi người hoặc không viết hoặc viết quá dài. Điều đó có nghĩa là họ đã không dành thời gian để sắp xếp các suy nghĩ của mình, hoặc là không thể.

Bạn cần viết được suy nghĩ của mình ra, nhưng viết ít hơn (không dài) và viết cho tốt.

Đối với tôi, tôi không muốn thấy nhiều hơn:

  • 3-5 gạch đầu dòng cho một cuộc họp 15 phút

  • Một nửa đến 1 trang giấy cho một cuộc họp nhóm 30-60 phút

  • 5 trang (tối đa) cho một MBR (báo kinh doanh hàng tháng) hoặc QBR (báo kinh doanh hàng quý) 

    • KHÔNG POWERPOINT. Không slide màu mè. Chỉ cần văn bản và biểu đồ cột đơn giản.

  • Đối với blog, bài báo hoặc sách, bạn có thể viết dài hơn.

Học cách viết tốt. Tôi vẫn đang luyện tập…

11.3. Sử dụng phương pháp/công cụ hiệu quả nhất có thể. 

Có một câu nói cũ mà tôi không đồng ý: “Đừng sử dụng email nếu bạn có thể gọi cho người đó; Đừng gọi nếu bạn có thể gặp trực tiếp.” Tôi rao giảng ngược lại: “Đừng gặp nhau nếu một cuộc gọi là đủ; Đừng gọi nếu nhắn tin tức thời là đủ. ” Cả hai cách đều không sai. Đối với những cuộc đối thoại khó nhằn, gặp mặt trực tiếp sẽ tốt hơn. Nhưng đối với hầu hết các giao tiếp thông thường, tôi thích hiệu quả hơn là lễ nghi. Bạn cần có mối quan hệ đủ mạnh (hoặc danh tiếng) với những người mà bạn thường xuyên giao tiếp để hiểu nhau, không nói vuốt đuôi và có thể đặt lòng tin tuyệt đối. Chúng ta thực hiện hầu hết công việc của mình từ xa, do vậy đó là hướng tiếp cận của tôi.

11.4. Tránh các chuỗi liên lạc

Đừng nói chuyện với người nghe người khác kể lại. Tôi đảm bảo thông tin bạn nhận được sẽ sai. Nói chuyện trực tiếp với người đưa ra thông tin.

Tại nơi làm việc, chúng tôi thường có người quản lý dự án hoặc các lãnh đạo làm người trung gian. Chúng ta cần tránh những chuỗi liên lạc dài. Đặt nguồn tin vào một nhóm/cuộc họp nhưng đừng để cuộc họp trở nên quá lớn.

11.5. Sử dụng tin nhắn tức thời để đồng bộ hóa hoặc điều phối công việc.

11.6. Sử dụng một tin nhắn tức thời thay vì nhiều tin nhắn.

Tạo ra 5 thông báo ở đầu nhận có thể khiến tôi phải chờ phản hồi lâu hơn. Thay vào đó, hãy làm điều này:

Một thông báo, chấm hết.

Vâng, tôi cố gắng tối ưu hóa thời gian của mình như thế. Tôi không thích trò chuyện với những người có phong cách “xấu”. Họ có nhiều thời gian, tôi thì không.

11.7. Không sử dụng tin nhắn tức thời để tranh cãi

Không nhắn tin để tranh luận/tranh cãi. Nhấc điện thoại lên, thực hiện cuộc gọi video hoặc gọi thoại để tranh luận.

11.8. Giao tiếp quá nhiều là không tốt

Giao tiếp quá ít là không tốt; Giao tiếp quá nhiều cũng không tốt. Nếu bạn phải liên tục giao tiếp quá mức để thực hiện điều gì đó thì quả là không ổn. Bạn cần phải khắc phục vấn đề cơ bản.

11.9. Đặt câu hỏi với ngữ cảnh

Chúng ta làm việc trong một môi trường từ xa. Chúng ta không được gặp nhiều đồng nghiệp. Câu hỏi có thể dễ bị hiểu nhầm, vì vậy, hãy luôn đưa ra lý do tại sao bạn đặt câu hỏi.

12. Các cuộc họp

12.1. Giữ các cuộc họp ngắn gọn

Giữ chúng càng ngắn càng tốt. 5 phút là tốt nhất. Nếu bạn không thể thực hiện các cuộc họp kéo dài 5 phút với các đồng nghiệp thân thiết của mình, nghĩa là bạn chưa bắt kịp với họ. Hãy tìm ra cách để làm điều đó.

12.2. Bắt đầu đúng giờ

Tham gia cuộc họp sớm 1 phút. Đặt báo thức của bạn thành 3:59 thay vì 4:00. Để cuộc họp có thể bắt đầu lúc 4:00:00.

12.3. Không nên

  • Không nên dập khuôn “đây là những gì tôi sẽ nói với bạn, đang nói với bạn và những gì tôi vừa nói với bạn.”

    • Chỉ làm phần “đang nói với bạn” thôi.

  • Đừng bắt đầu với câu “đây là chương trình…”

    • Đi thẳng vào cuộc họp. 

  • Đừng có kiểu “các bạn có nghe thấy tôi nói không? Bạn có thấy màn hình của tôi không?” 

    • Kiểm tra thiết bị của bạn trước và đi thẳng vào cuộc họp.

  • Đừng nói “cảm ơn bạn đã tham gia…”

    • Đi thẳng vào cuộc họp.

12.4. Thảo luận với nhóm ít hơn 10 người

Một cuộc thảo luận chỉ nên có 5-10 người hiểu rõ về chủ đề này, có nhiều người tham gia hơn thế chỉ làm mọi thứ chậm lại.

Một cuộc gọi với hơn 10 người nên là một cuộc gọi đồng bộ hóa nhanh chóng.

12.5. Loại bỏ những người không phát biểu

Nếu bạn đang tham gia một cuộc họp thảo luận và không cần phải nói bất cứ điều gì, có lẽ bạn không nên tham gia cuộc họp đó. Bạn có thể chỉ cần nhận ghi chú cuộc họp.

12.6. Viết gạch đầu dòng

Viết gạch đầu dòng TRƯỚC cuộc họp. Viết mọi thứ ra giúp suy nghĩ rõ ràng hơn. Tôi (CZ) là một người trực quan. Tôi không lưu lại được nhiều những điều chỉ được giải thích bằng lời nói. Tài liệu bằng văn bản dễ dàng tiếp cận hơn. Bằng lời nói là không thể. Hãy thử google “trò chơi truyền tai”.

Đừng để tài liệu viết quá dài. 1 trang cho một cuộc họp 30 phút là đủ.

12.7. KHÔNG powerpoint 

Chúng thật lãng phí thời gian. Sử dụng các gạch đầu dòng và biểu đồ cột để hiển thị lịch sử và xu hướng.

12.8. Không cuộc họp “giới thiệu”. 

Tôi không tổ chức các buổi gặp mặt và chào hỏi, làm quen với bạn, các cuộc gặp gỡ khám phá, v.v. Tôi không phải là người trung tâm và không giỏi duy trì nhiều mối quan hệ. Tôi thích các cuộc họp có mục đích cụ thể. Một số người có thể nói rằng điều này là quá “vật chất”, nhưng nó hiệu quả. Điều này có thể xúc phạm một số người. Nhưng mục tiêu của tôi không phải là làm bạn với tất cả mọi người, mà là để hoàn thành công việc

13. Sản phẩm và Cách truyền tải

13.1. Chỉ các sản phẩm có thể mở rộng quy mô

Chỉ làm việc trên các sản phẩm có thể mở rộng quy mô. MVP (sản phẩm khả thi tối thiểu), sau đó ngưng, thay đổi hoặc mở rộng (đẩy tất cả vào). Nếu nó không thể mở rộng, đừng làm nữa.

13.2. Tập trung vào người dùng

Có được người dùng là điều then chốt. Mọi thứ khác đều không quan trọng bằng. Không có người dùng nào lại không có giá trị. Hãy đối xử tốt với họ.

14. PR

14.1. Không ra mắt rầm rộ

Đừng PR mạnh trong ngày đầu ra mắt, vì uôn luôn có điều gì đó không ổn xuất hiện. Hãy cho hệ thống/sản phẩm khoảng một tuần để ổn định và đi vào hoạt động trước khi thực hiện các hoạt động PR lớn.

14.2. Đừng PR các Biên bản ghi nhớ hoặc Thư ý định trống rỗng.

Chỉ PR kết quả. Chỉ khi PR giúp ích cho chúng ta. Đề phòng các đối tác nhỏ hơn muốn sử dụng thương hiệu của chúng ta để nâng cao uy tín của họ.

14.3. Không trì hoãn việc PR, thông báo khi đã sẵn sàng.

Điều tôi không đồng ý: đôi khi, các nhóm PR sẽ khuyên bạn nên đợi đến một ngày hoặc thời gian nhất định để thông báo điều gì đó đã sẵn sàng. Những lý do có thể bao gồm, nhưng không giới hạn ở: đó là tối thứ Sáu, PR sẽ ít được đón nhận hơn, hãy đợi đến sáng thứ Hai; chúng ta vừa công bố một thứ khác, nên giãn việc PR ra một chút; hãy để lùi cái này 1 tuần để đến lễ Giáng sinh vì khi đó chúng ta sẽ có ít tin tức hơn. Điều này chỉ tạo ra sự chậm trễ không cần thiết, kéo lùi tất cả các luồng công việc trong tương lai, hiệu quả bị mất vượt xa những tối ưu hóa nhỏ trong việc “đón nhận tin tức tốt hơn”. Trì hoãn trong những gì chúng ta làm phải trả giá cực kỳ đắt. Việc trì hoãn việc PR chỉ lgiúp ưu giữ điều đó trong đầu mọi người lâu hơn một chút, một cách không cần thiết. 

Thông báo khi đã sẵn sàng và chuyển sang mục tiếp theo.

Tweet. Nhiều chuyên gia truyền thông xã hội đưa ra lời khuyên về thời điểm tốt nhất trong ngày để đăng tweet. Điều này có thể hiệu quả nếu công việc của bạn chuyên về mạng xã hội. Tôi chỉ tweet khi tôi nảy ra điều gì đó trong đầu. Nếu không, cái giá phải trả cho việc mang theo điều đó trong đầu tôi không xứng đáng với những lợi ích mà tôi có thể đạt được khi tweet nó vài giờ sau đó. Sau khi tweet, tôi chuyển sang một việc khác.

14.4. Trả lời các nhà báo

Nếu bạn không trả lời, họ sẽ chỉ viết những phiên bản tồi tệ nhất trong câu chuyện của họ. Trả lời, ghi lại và xuất bản nếu bạn phải làm.

14.5. Trả lời tin tức tiêu cực một cách nhanh chóng 

Nếu không, nó sẽ lan rộng. Trừ khi bạn chắc chắn đó là tin tức nhỏ và sẽ không nhận được bất kỳ sự đón nhận nào.

15. Nghỉ ngơi, bình tĩnh và thư giãn

Tôi được hỏi về việc ngủ bao nhiêu, đối phó với tình trạng lệch múi giờ khi bay, v.v. Vì vậy, tôi đã thêm phần này.

15.1. Ngủ

Tôi khuyên bạn nên tìm cách ngủ của riêng bạn để cung cấp cho bạn lượng năng lượng tối đa.

Đối với tôi, tôi ngủ 5-6 giờ vào ban đêm, và sau đó thường chợp mắt 30-45 phút vào buổi chiều. Tôi thường tỉnh táo nhất sau giấc ngủ ngắn. Thời gian tỉnh táo thứ hai là vào buổi sáng, một giờ sau khi tôi thức dậy. Vì vậy, tôi thực hiện những suy nghĩ khó khăn hoặc những quyết định khó khăn trong khoảng thời gian đó. Và sử dụng thời gian còn lại trong ngày để giải quyết các công việc “trần tục” hơn.

Một bí mật nhỏ. Chợp mắt cũng là cách tôi đối phó với tình trạng lệch múi giờ khi bay. Khi tôi bị thế, tôi sẽ chợp mắt lâu hơn một chút. Có hai cơ hội để ngủ cũng có ích.

Ngoài ra, khi tôi mệt mỏi, tôi chỉ cần thư giãn hoặc chợp mắt.

15.2. Điềm tĩnh

Tôi có một tính cách điềm tĩnh. Nếu những người khác cảm thấy một biên độ nào đó trong cảm xúc của họ, biên độ của tôi có lẽ sẽ nhỏ hơn. Tôi vẫn có những cảm xúc gay gắt nhưng tôi không quá phấn khích hay quá buồn. Có tính cách điềm tĩnh này sẽ giúp ích trong các tình huống áp lực cao, điều mà chúng ta thường gặp, với tư cách là một công ty khởi nghiệp trong một ngành mới mẻ và phát triển nhanh mới.

Một phần của tính cách này là do bẩm sinh. Còn lại là nhờ rèn luyện. Tôi tin vào lý thuyết mô phỏng, điều này giúp tôi rất nhiều trong việc giữ bình tĩnh.

Giữ bản thân theo các tiêu chuẩn đạo đức cao cũng có tác dụng phần nào. Nếu biết chúng ta đang làm những điều đúng đắn, ta sẽ không có gì phải lo lắng nhiều. Điều này giúp tôi mạnh mẽ về mặt tinh thần. Biết rằng chúng ta đang tạo ra những tác động tích cực trên thế giới cũng có ích phần nào.

15.3. Thư giãn và vui vẻ

Tôi thư giãn giống như hầu hết những người khác. Tôi tập thể dục một chút mỗi ngày. Tôi chơi một số môn thể thao. Tôi thích trượt tuyết. Tôi xem một số bộ phim (thường là sau khi người khác giới thiệu). Tôi đi thăm thú một chút khi đến thăm các thành phố mới. Tôi thư giãn với bạn bè, ăn tối, đi uống, v.v.

Tôi không thích đồ xa xỉ, xe hơi, đồ trang sức, v.v., mặc dù lối sống của tôi có lẽ đã được hầu hết mọi người coi là ở mức có thể đạt được nhiều thứ mình muốn. Tôi đi du lịch rất nhiều. Tôi ở trong những khách sạn đẹp. Tôi được mời đến những bữa tiệc sang trọng (tôi thực sự thường không thích những bữa tiệc đó).

Tôi say mê các thiết bị, điện thoại, máy ảnh, máy bay không người lái và thậm chí cả đồng hồ kỹ thuật số với tất cả các tính năng mà tôi không bao giờ sử dụng.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây